The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phương pháp PGI

Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. Với mục đích trên, tương tự như Chỉ số PCI, Chỉ số PGI được thiết kế như một chỉ số xếp hạng dựa trên các tiêu chí đầu vào hình thành từ một hệ thống chỉ tiêu đo lường các yếu tố chính sách đầu vào (các thước đo đánh giá hành động của chính quyền cấp tỉnh) mà có thể có mối tương quan với hiện trạng môi trường và khí hậu, như tình hình thiên tai hoặc chỉ số đo đạc chất lượng không khí hay nguồn nước như chỉ số bụi mịn (PM 2.5), chỉ số nitơ đi-ô-xít (NO2) hay lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2).
Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng theo quy trình 3 bước tương tự Chỉ số PCI, gọi tắt là quy trình “3T”:
Tương tự như phương pháp luận Chỉ số PCI, từng chỉ tiêu của Chỉ số Xanh cấp tỉnh phải được tính toán để đảm bảo dung hòa được các đặc điểm của dữ liệu điều tra doanh nghiệp (dữ liệu mềm) và dữ liệu thống kê từ cơ quan nhà nước (dữ liệu cứng).
Dữ liệu điều tra doanh nghiệp có điểm mạnh là nắm bắt tốt các sắc thái trong cảm nhận của các doanh nghiệp trong mẫu điều tra và phản ánh chính xác trải nghiệm về môi trường và quản trị môi trường của các doanh nghiệp, trong trường hợp này là các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI 2022. Tuy nhiên, điểm hạn chế của loại dữ liệu này là dễ có sai số trong đo lường bởi chịu ảnh hưởng của các yếu tố gây thiên lệch, như thiên kiến nhận thức hay đánh giá theo cảm tính, hoặc thiên kiến do hiệu ứng mỏ neo [một xu hướng nhận thức sai lệch xảy ra khi một người đưa ra quyết định dưới ảnh hưởng của việc tập trung vào phần thông tin có sẵn đầu tiên (mỏ neo) được trao cho họ]. Thiên kiến nhận thức là xu hướng một doanh nghiệp tham gia điều tra đưa ra câu trả lời dựa trên hiểu biết, năng lực, động cơ, niềm tin có sẵn của mình, do đó câu trả lời có thể bị thiên lệch so với câu trả lời có thể được đưa ra bởi một người quan sát khách quan, có đầy đủ thông tin và kiến thức về vấn đề được hỏi. Thiên kiến do hiệu ứng mỏ neo có thể xảy ra khi doanh nghiệp không có thông tin hoặc hiểu biết đầy đủ về các khả năng có thể xảy ra được liệt kê trong các phương án trả lời trong phiếu điều tra. Ví dụ, một doanh nghiệp đặt trụ sở tại tỉnh Lào Cai có thể đánh giá cao các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai của chính quyền tỉnh mình bởi họ không hề biết Hải Phòng có các chính sách tốt hơn, do đó dẫn đến việc doanh nghiệp này sẽ đưa ra đánh giá tích cực hơn so với một người có thông tin khách quan, đầy đủ hơn.
Trong khi đó, dữ liệu “cứng” do các nguồn chính thống cung cấp thường ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thiên lệch nêu trên song phạm vi đo lường của loại dữ liệu này thường bị giới hạn trong các chỉ số cụ thể và không phải lúc nào cũng nắm bắt được các khái niệm trừu tượng như tính minh bạch, chi phí không chính thức.
Để xử lý các điểm hạn chế này, Chỉ số Xanh cấp tỉnh sử dụng dữ liệu điều tra như nguồn dữ liệu chính nhưng cũng áp dụng đồng thời hai biện pháp cẩn trọng nhằm giảm thiểu tối đa các thiên lệch nhận thức và mỏ neo. Thứ nhất, trong chừng mực nhiều nhất có thể, chúng tôi lựa chọn các chỉ tiêu đo lường dựa trên trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp với một chính sách nhằm hạn chế tối đa các câu trả lời theo quan điểm cá nhân. Ví dụ, với câu hỏi “doanh nghiệp bạn có được chính quyền địa phương hướng dẫn hay phổ biến các nội dung sau không,” chúng tôi muốn tìm hiểu trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp hơn là ý kiến của doanh nghiệp về cách thức tỉnh thực hiện hướng dẫn nói chung. Thứ hai, trong từng chỉ số thành phần, dữ liệu điều tra được sử dụng kết hợp với dữ liệu “cứng” sẵn có để các dữ liệu từ cảm nhận doanh nghiệp và dữ liệu cứng chính thức gia cố, bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo dữ liệu từ cảm nhận doanh nghiệp được gán mức độ quan trọng cao hơn, nhóm nghiên cứu gán trọng số lớn hơn cho dữ liệu điều tra doanh nghiệp (60%) so với dữ liệu cứng (40%) trong từng chỉ số thành phần của Chỉ số PGI.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh gồm có 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế. Cụ thể, đó là:
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp).
Cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công có thể được coi là trách nhiệm cơ bản nhất của chính quyền cấp tỉnh, thậm chí được đưa vào quy hoạch của trung ương. Trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, trách nhiệm của chính quyền địa phương ngày càng lớn hơn trong những năm gần đây bởi họ được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu (lũ lụt, nước biển dâng, hạn hán v.v.) đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.
Chỉ số thành phần này đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là một lĩnh vực quản lý nhà nước khá truyền thống của chính quyền địa phương, xuất hiện vào thời điểm đầu những năm 1990 với sự ra đời của khu vực kinh tế tư nhân chính thức. Phạm vi của lĩnh vực quản lý này dĩ nhiên đã mở rộng hơn rất nhiều trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân chính thức tại Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2000. Trong các năm gần đây, hiệu quả của công tác quản lý môi trường càng trở nên cấp thiết trước các sự cố môi trường lớn xảy ra bởi vi phạm của doanh nghiệp, kéo theo sự quan tâm lớn hơn từ phía người dân. Dù thế, tần suất thanh kiểm tra môi trường có xu hướng giảm trong vài năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải bỏ thêm chi phí do thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Thúc đẩy thực hành xanh.
Chỉ số thành phần này đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước rộng hơn của chính quyền tỉnh, cụ thể là chính quyền có lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển chung, vào hoạt động đấu thầu mua sắm công, và vào các hoạt động hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa” quy trình hoạt động, mô hình kinh doanh sản xuất và hành vi của doanh nghiệp. Vai trò này của chính quyền tỉnh, nếu được phát huy, sẽ góp phần thúc đẩy, thậm chí là dẫn dắt các doanh nghiệp hàng đầu theo đuổi chiến lược để trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường. Vai trò này có thể bao gồm việc hướng dẫn doanh nghiệp đưa ra các quyết định điều hành mà có thể đưa họ trở thành người đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, bền vững.
Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Chỉ số thành phần này đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực vượt trên các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp do chính quyền địa phương cung cấp như dịch vụ tư vấn về thủ tục xin cấp phép cho các dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường, dịch vụ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người lao động để doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xây dựng năng lực cho doanh nghiệp để xanh hóa hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.