The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái quyết tâm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Năm 2021, Yên Bái phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - PAR Index) tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020 và tiếp tục giữ vững vị trí nằm trong Top 30 của cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020; tiếp tục cải thiện tốt và đồng bộ 8 nội dung đánh giá (duy trì ổn định ở nhóm thứ 3/4 nhóm, không có chỉ số nội dung mức thấp nhất); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ 2 - 4 bậc trở lên.
Điểm sáng về cải cách hành chính
Những năm gần đây, Yên Bái nổi lên là một trong những địa phương đi đầu khu vực Tây Bắc trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của địa phương này được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, ngày càng tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp địa phương.
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (ĐTKD) của tỉnh đa đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về công tác CCHC, cải thiện môi trường ĐTKD được nâng lên rõ rệt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến hết tháng 6/2021, tỉnh Yên Bái đã có 1.440 thủ tục hành chính được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 294 thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện và 107 thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã.
Hiệu quả và tác động của công tác CCHC, cải thiện môi trường ĐTKD ngày càng được thể hiện rõ nét thông qua kết quả điều tra xã hội học, thăm dò ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, người dân cũng như thứ bậc xếp hạng của tỉnh tăng đều qua các năm. Năm 2020, Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh và xếp thứ 6/14 các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với tổng điểm đạt được là 84,70 điểm, tăng 3,04 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2019.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, với tỷ lệ hài lòng là 88,61%, tăng 1,77% và tăng 3 bậc so với năm 2019. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,13 điểm, tăng 0,71 điểm và 14 bậc so với năm 2019; xếp thứ 28 và nằm trong nhóm Trung bình cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 33/63 tỉnh với 63,35 điểm, tăng 3 bậc và nằm trong nhóm có năng lực điều hành trung bình.
Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước và các giải pháp thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương đã giúp Yên Bái trở thành miền đất hứa với không ít nhà đầu tư. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.074 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội và triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Yên Bái trong nhiều lĩnh vực như du lịch sinh thái, đô thị, công nghiệp chế biến khoáng sản…
CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Yên Bái phấn đấu đưa Chỉ số PAR Index tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020 và tiếp tục giữ vững vị trí nằm trong Top 30 của cả nước; Chỉ số PAPI tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020; tiếp tục cải thiện tốt và đồng bộ 8 nội dung đánh giá (duy trì ổn định ở nhóm thứ 3/4 nhóm, không có chỉ số nội dung mức thấp nhất); Chỉ số PCI tăng từ 2 - 4 bậc trở lên.
Để đạt được kết quả này, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, địa phương xác định CCHC, cải thiện môi trường ĐTKD là một trong 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các sở, ban, ngành, địa phương cần xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, hiệu quả để cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần; quyết tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém; phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; xác định nhiệm vụ CCHC, nhất là cải cách TTHC, cải thiện môi trường ĐTKD là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng cách làm mới, mô hình hay để tạo động lực thúc đẩy công tác CCHC, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.