The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái - Nỗ lực kết nối cùng phát triển

Những năm qua, Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp cấp tỉnh, chủ động thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng, là điểm kết nối chiến lược giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và cũng là trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực chất lượng, hạ tầng giao thông đồng bộ.
Trong những năm qua, Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp cấp tỉnh, chủ động thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển
Tỉnh Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên 6.892,68 km2, xếp thứ 6/14 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc về quy mô đất đai; dân số trên 831.586 người, với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động.
Cơ hội phát triển mới, trực tiếp và nổi bật đối với tỉnh chính là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng giúp Yên Bái có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các cơ sở hạ tầng cấp quốc tế, quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thuận lợi, đồng bộ cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đã giúp Yên Bái có thể kết nối giao thương với những địa điểm quan trọng trong bản đồ kinh tế Việt Nam.
Yên Bái có tiềm năng rất lớn về đất đai với 85% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi cho phát triển đa dạng các sản phẩm nông, lâm nghiệp; nguồn tài nguyên rừng phong phú phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng lớn, nhất là đá trắng, khoáng sản kim loại, đá quý,...
Cùng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có về tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản..., Yên Bái còn có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, hấp dẫn cả về tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn với bản sắc văn hóa có nhiều nét riêng, độc đáo, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Danh thắng cấp Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, rừng chè cổ thụ Suối Giàng, đền Đông Cuông, đền Đại Cại,…Trong điều kiện hạ tầng giao thông kết nối ngày càng thuận lợi, du lịch ngày càng có nhiều triển vọng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cơ hội khai thác, phát huy những nguồn lực phát triển sẵn có, nhất là về cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch đang hình thành; quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng (hiện tỉnh đã có quan hệ với nhiều nhà tài trợ lớn như WB, ADB, JICA,...; các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ);... chính là tiền đề để xúc tiến huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn,… là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến cùng hợp tác và phát triển.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, kết nối hướng tới sự phát triển bền vững Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu có mức tăng khá so với cùng kỳ, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được duy trì ổn định.
Công tác cải cách hành chính được triển khai hiệu quả, với những kết quả đáng mừng, làm thay đổi tích cực thứ hạng xếp loại của tỉnh, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cáo. Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2015; Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm Trung bình cao của cả nước.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 544 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 116.074 tỷ đồng và 382 triệu USD. Thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; hiện có trên 2.600 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 29.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước chọn Yên Bái là điểm đầu tư tin cậy như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup, TH, Hoa Sen, APEC, FLC, Alphanam, Công ty cổ phần Eurowindow Holding,...
Để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, đề ra những giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa Yên Bái trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ; sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, phải thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”.
Năm 2021, bước vào năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh Yên Bái đã luôn nỗ lực thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép” theo phương châm thực hiện “đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”.
Xuất phát từ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, với quyết tâm chính trị cao độ và những điểm mới trong chiến lược phát triển của địa phương trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu phấn đấu “trở thành tỉnh Khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”, đồng thời, xác định những giải pháp mang tính đột phát chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài xây dựng tỉnh Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Để hoàn thành được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới đổi mới mô hình tăng trưởng, tỉnh Yên Bái đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gắn với tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách, quy hoạch, kế hoạch áp dụng cho nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm căn cứ để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt trong điều hành và thực hiện nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện, đặc biệt với các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ cho cả nhiệm kỳ như: Xây dựng các nghị quyết, đề án, chính sách; hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hàng năm, 5 năm; xây dựng danh mục thu hút dự án đầu tư cho cả nhiệm kỳ nhằm chủ động trong công tác thu hút đầu tư theo hướng phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.