The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái hướng tới tốp đầu khu vực về CCHC

Trong 10 năm tới, Yên Bái hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tỉnh tốp đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc về cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thuộc nhóm 10 tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) thuộc nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Ngày 31/7, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, địa phương của tỉnh tổng kết công tác cải CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu kết luận Hôi nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, trong giai đoạn 2021-2030, Yên Bái xác định, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên trì, nghiêm túc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC của địa phương, trong đó nêu rõ nhiệm vụ tập trung xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình CCHC, cải thiện môi trường ĐTKD giai đoạn 2021 - 2030 và hàng năm của tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình, kế hoạch CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hàng năm và cả giai đoạn.
Về cải cách thể chế, tập trung rà soát, đánh giá, xây dựng bộ cơ chế, chính sách phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công... Tổ chức triển khai đồng bộ các văn bản QPPL của Trung ương, địa phương trên địa bàn. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp.
Về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo lộ trình. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức phù hợp.
Phát huy vai trò của hệ thống phục vụ hành chính công các cấp, kết hợp với cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Bố trí đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và giải quyết tốt TTHC, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ công ích cho người dân, doanh nghiệp. Tăng tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến cấp độ 3, 4.
Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, trong đó có cơ chế huy động sự tham gia của công dân, tổ chức và các phương tiện thông tin truyền thông vào theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.
Tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan hành chính ở từng cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; ban hành khung biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. Thực hiện lộ trình đến hết 2025 giảm ít nhất 6% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức so sới năm 2021.
Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước, tiến tới xóa bỏ chế độ giao dự toán kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chỉ tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan; trước mắt tiếp tục áp dụng phương thức "khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ" đối với tất cả các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội.
Cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại thu chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi đầu tư khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư khu vực ngoài nhà nước; tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Triển khai hiệu quả mô hình đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử tỉnh, từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia.
Triệt để ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh và Chỉ số DDCI của các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy lưu ý các cơ quan chức năng của địa phương tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tích cực, chủ động tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng bình đẳng, công bằng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển mạnh từ "tiền kiểm"sang "hậu kiểm".
Nâng cao hơn nữa tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân như: công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; các khoản thu, chi ngân sách của cấp xã; các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất…
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh nguyên cứu, bám sát các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh để xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phù hợp với năng lực, sở trường của doanh nghiệp.
Tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện; cùng cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất với chính quyền xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, góp phần đưa cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh tới doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các quy trình, thủ tục trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái nói chung.
Kịp thời tiếp thu, phản ánh các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là những phản ánh về các cơ quan đơn vị, tổ chức, cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; thông tin tới Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, xử lý./.