The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Xuân Ất Mùi 2015: Kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp

Những điểm nhấn

Tại kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội, người đứng đầu Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho hay: Môi trường kinh doanh năm 2014 diễn biến không thuận lợi, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cùng những giải pháp phát triển đồng bộ của TP, năm 2014, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, duy trì mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng GDP cả nước.

Cụ thể năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,8%; trong đó, giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng 8,4% (riêng xây dựng tăng 9,9%, là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây) nhờ đó, thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tốt lên, các giao dịch nhà đất đã nhộn nhịp trở lại, lượng hàng tồn kho giảm khá nhiều so với năm 2013. Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, đây chính là tín hiệu tốt, báo hiệu cho năm mới 2015 sẽ khởi sắc với thị trường bất động sản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh để đưa kinh tế Thủ đô cán đích rất cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Năm 2015, Hà Nội sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ cơ sở tiến tới Đại hội Đảng bộ TP sẽ có những đúc kết, đề ra được những lộ trình về bước đi cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô xứng đáng với những lợi thế mà thành phố này đang có".

Trên bình diện tài chính -ngân sách, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch mà Bộ Tài chính giao cho Hà Nội, kết thúc năm 2014, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 130,1 nghìn tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán; năm 2014, chi ngân sách địa phương ước đạt 52,5 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực quản lý thị trường, giá cả được tăng cường, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 5,34%, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua".

Không chỉ gặt hái được những thành tựu trong việc tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, năm 2014 cũng là năm chứng kiến Thủ đô đã có bước phát triển khá toàn diện về giao thông, văn minh đô thị và cải cách hành chính công.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, năm 2014, TP đã chủ động rà soát lại tình hình trật tự đô thị, tập trung vào 88 tuyến đường, phố chính. Các dự án hạ tầng giao thông vành đai 1- đoạn Ô Đông Mác -Nguyễn Khoái, đường Trần Phú - Kim Mã, đường Thanh Nhàn, đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng,.. đã được đẩy nhanh tiến độ. Đã thực hiện thông xe, đưa vào khai thác sử dụng các dự án quan trọng như đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, cầu Vĩnh Thịnh, đường 5 kéo dài... Và mới đây là công trình Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân..., những công trình được đánh giá làm thay đổi "diện mạo" giao thông Thủ đô.

Đặc biệt, năm 2014 cũng là năm TP lấy là Năm Văn minh đô thị, năm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đến nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ùn tắc giao thông giảm đáng kể, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang dần đi vào hồi kết, công tác cải tác hành chính làm khá quyết liệt nên đã góp phần làm cho năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội đã tăng lên 25 bậc so với năm năm 2013.

"Để giải quyết bài toán này là cả một chuỗi quá trình, kéo dài nhiều năm, làm tích cực, làm liên tục mà năm 2014 chỉ là điểm nhấn cho một sự khởi đầu. Bởi thế, năm 2015 Hà Nội vẫn chọn chủ đề năm trật tự, văn minh đô thị", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế- xã hội

Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra đầu tháng 12/2014, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2015.

Theo đó, năm 2015, TP đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt mức 9 -9,5%; trong đó, dịch vụ 9,8 -10,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7 - 9%, nông nghiệp tăng 2 - 2,5%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 75 - 77 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn từ 11 - 12%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 9 %... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cao hơn mức 130,1 nghìn tỷ đồng của năm 2014.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND TP đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phát động phong trào thi đua yêu nước.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số nội dung như: Xác định các mục tiêu cụ thể của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành và giao các địa phương xây dựng các mục tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Giải pháp tổng thể là vậy, song để đạt các mục tiêu về kinh tế nêu trên, TP sẽ dồn toàn tâm, toàn lực để tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn nữa; đi liền đó là đẩy mạnh thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực mà Hà Nội đang có lợi thế rất lớn"./.

Hồng Chi

Theo ThoibaotaichinhVietNam.vn ngày 21/02/2015