The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Xây dựng thành phố công nghiệp Hải Phòng văn minh, hiện đại

Trong mười năm (2000-2010) và 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Hải Phòng đạt nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng ở mức cao, với GDP tăng bình quân hơn 11%/năm, gấp 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng nâng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, quy mô nền kinh tế thành phố phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng như cảng, hệ thống giao thông, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng phát triển và có sự thay đổi lớn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Vị thế của Hải Phòng là thành phố cảng, cửa chính ra biển tiếp tục được khẳng định và củng cố vững chắc. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tại thành phố đạt hơn 4,3 tỷ USD với nhiều dự án từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng không ngừng tăng nhanh, năm 2009 đạt 33,3 triệu tấn, gấp hai lần so với sản lượng năm 2006 và năm 2010 dự báo đạt khoảng 35 - 37 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19 - 20%/ năm, ước năm 2010 đạt 1,94 tỷ USD, tăng gấp 6 lần năm 2000. Vốn đầu tư cho phát triển tăng bình quân 19,1%/năm. Năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố được nâng lên, năm 2009 tăng 10 bậc so với năm 2008.

Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội... cũng được quan tâm và có những tiến bộ vượt bậc. Thu nhập người dân đạt 1.600-1.800 USD/năm, tăng gấp hơn 5 lần so với cách đây 10 năm. Việc chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các cá nhân, gia đình chính sách xã hội, các gia đình thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam, gia đình nghèo được coi trọng, tạo điều kiện cho các gia đình này từng bước vươn lên thoát nghèo...

Bên cạnh đó, Hải Phòng đang phải đối mặt nhiều thách thức: Kinh tế phát triển chưa bền vững, quy mô còn nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vai trò là cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc; thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn còn chậm; công tác quản lý đô thị và tốc độ đô thị hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Ðánh giá đúng những thành tựu và hạn chế, cũng như xác định rõ những tiềm năng lợi thế, định hướng phát triển, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cảng đang nỗ lực tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của toàn Ðảng bộ, phát huy toàn diện, đồng bộ các lợi thế của thành phố cảng, đẩy mạnh CNH, HÐH phát triển nhanh, bền vững để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 từ hai đến ba năm.

Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, TP Hải Phòng đang bổ sung, điều chỉnh mô hình, cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố cho phù hợp. Theo đó, thành phố xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của đất nước; hài hòa, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy tiềm năng vị thế của từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm, tạo sức mạnh tác động thúc đẩy sự phát triển chung. Hải Phòng xác định rõ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của thành phố và bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và liên tục.

Tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính là ba khâu đột phá được thành phố xác định trọng tâm và tập trung sức chỉ đạo thực hiện.

Hải Phòng đang tập trung công sức, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm để quy hoạch phát triển thành phố đẹp, giàu, hiện đại, văn minh, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, thể hiện rõ bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng là thành phố biển, đô thị loại 1 cấp quốc gia, đầu mối giao thông lớn, quốc phòng - an ninh vững chắc, thành phố quốc tế, thành phố sinh thái. Với vị thế là cửa ngõ đường hàng hải của khu vực kinh tế phía bắc, Hải Phòng tập trung phát triển cảng biển. Hải Phòng có hơn 7.200 m cầu cảng, gấp hơn hai lần thời kỳ trước đổi mới (1987), sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng gấp 11 lần so với thời kỳ trước đổi mới. Hiện, một cảng nước sâu hiện đại, tầm cỡ quốc tế đang triển khai xây dựng tại Lạch Huyện, đưa sản lượng hàng hóa qua cảng lên tới 55 triệu tấn vào năm 2015 và đạt 66 triệu tấn vào năm 2020... Cùng với đó, thành phố tập trung sức thực hiện các dự án cầu Ðình Vũ - Cát Hải, đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế tại Tiên Lãng và hàng loạt các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác được xây dựng, kết nối với cảng sẽ tạo điều kiện cho Hải Phòng thật sự trở thành cảng lớn, một trung tâm điều vận quan trọng ở phía bắc. Ðây sẽ là sự thay đổi to lớn, bước ngoặt về tính chất đô thị và cách thức tăng trưởng của thành phố Hải Phòng. Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, xuất-nhập khẩu, du lịch, tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao... Trong đó, thành phố coi trọng phát triển dịch vụ kinh tế biển, phấn đấu trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam. Hải Phòng cũng coi trọng nâng cao trình độ nguồn nhân lực có phong cách làm việc chuyên nghiệp dựa trên nền tảng chuyên môn cao, lao động hiệu quả, năng suất, chất lượng và có sức cạnh tranh quốc tế. Mặt khác, thành phố tiếp tục có chính sách ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, có số nộp ngân sách lớn, đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, nơi có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi công nghệ thông tin được thành phố xác định là động lực mạnh mẽ thúc đẩy, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, tiến vào nền kinh tế tri thức. Thành phố tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt theo mục tiêu: giảm giấy tờ, giảm hội họp, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Ðồng thời tập trung xây dựng đội ngũ công chức 'công tâm, thạo việc, tận tụy, từng bước chuyên nghiệp' để tiến tới hiện đại hóa nền hành chính. Hải Phòng đang hướng tới việc xây dựng 'Chính quyền điện tử', 'chính phủ điện tử', điều hành qua mạng, phát triển thương mại điện tử, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Con đường hướng tới tương lai đã rộng mở, dẫu rằng trên bước đường đi còn nhiều gian khó, có cả những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những lĩnh vực còn 'tụt hậu' so với các địa phương khác có cùng điều kiện..., nhưng với quyết tâm cao và quan trọng hơn nữa là sự đồng sức, chung lòng của toàn Ðảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm công nghiệp dịch vụ, một cực tăng trưởng quan trọng của tam giác kinh tế động lực phía bắc, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH.