The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc thành công trong thu hút vốn FDI

Tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài mới đây, ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc “đang phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015” và luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư.

Ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Chính phủ Việt Nam, khi đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhà đầu tư nước ngoài còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư do tỉnh ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ đào tạo nghề và tuyển dụng lao động…, thời hạn giải quyết hồ sơ được rút ngắn chỉ còn 1/3 so với quy định chung.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn (hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ).

Ông Vọng cho biết thêm, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục cải thiện các điều kiện về thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực..., nhằm tạo lập môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và thông thoáng để các nhà đầu tư tham gia đầu tư và thực hiện thành công các dự án.

Hiện tại, toàn tỉnh có 21 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 717 triệu USD, đứng thứ hai về vốn đăng ký và đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện trong số các nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trên địa bàn. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, gia công cơ khí, đồ điện dân dụng…

Trong tốp đầu về vốn đăng ký đầu tư của Nhật Bản, trước hết phải kể đến Công ty Honda Việt Nam. Công ty đã nhiều lần tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, với số vốn ban đầu là 104 triệu USD (năm 1996), sau hơn 18 năm hoạt động, số vốn đăng ký đã tăng lên tới 410 triệu USD.

Từ khi thành lập đến nay, Công ty Honda Việt Nam đã đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho gần 10.000 lao động tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động tại các công ty vệ tinh, hệ thống cửa hàng ủy quyền. Sản xuất và kinh doanh xe máy là lĩnh vực hoạt động đầu tiên của Honda khi vào thị trường Việt Nam; tổng doanh số xe máy bán ra đạt hơn 15 triệu chiếc, với nhiều dòng xe phù hợp với thị hiếu và tài chính của người Việt, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và thương hiệu.

Tiếp đến là Công ty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp FDI sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam, với vốn đăng ký đến thời điểm hiện tại 89 triệu USD. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1996 với công suất 36.500 xe/năm, Công ty Toyota Việt Nam đã giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 20.000 lao động. Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã đóng góp gần 3 tỷ USD cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác của Nhật Bản, như Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam (với vốn đăng ký 49 triệu USD); Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam (vốn đăng ký 30 triệu USD), Công ty TNHH Maruichi Sun Steel (vốn đăng ký 21,4 triệu USD); Công ty TNHH Exedy Việt Nam (vốn đăng ký 12 triệu USD… cũng có tiến độ triển khai nhanh và hoạt động có hiệu quả; các chỉ tiêu kinh tế luôn tăng trưởng ổn định và năm sau cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong tháng 3/2014, tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên), Công ty TNHH Suzukaku Việt Nam đã tổ chức động thổ xây dựng nhà máy mới. Có tổng vốn đầu tư đăng ký 5 triệu USD, nhà máy chủ yếu sản xuất các linh kiện cung cấp cho công nghiệp lắp ráp xe máy, ô tô - lĩnh vực đang được Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư, nhằm mở rộng và đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô, xe máy.

Theo kế hoạch, tháng 8/2014, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công ty giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện dự án…

Đánh giá chung về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, họ đã và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Vĩnh Phúc, dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn tiếp diễn. Theo họ, những yếu tố “được” của môi trường đầu tư - kinh doanh ở Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung chính là sự ổn định về xã hội - chính trị, dễ tuyển dụng lao động và quy mô thị trường gia tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân, vì họ nhận thấy, đây là tỉnh có nền công nghiệp phát triển và có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhất là đối với lĩnh vực công nhiệp phụ trợ; có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng phát triển.

Khi đến Vĩnh Phúc, các nhà đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh đón tiếp rất nồng nhiệt, các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để họ sớm hoàn tất các thủ tục nhằm có thể triển khai dự án một cách thuận tiện nhất và sớm nhất. Chính vì vậy, 100% dự án đầu tư của Nhật Bản vào Vĩnh Phúc được đánh giá là rất thành công.

Từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động xã hội, các dự án đầu tư của Nhật Bản đã thu hút gần 10.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần hình thành và phát triển hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tương đối đồng bộ trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển; tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực; hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao với tác phong công nghiệp hiện đại, kỷ luật lao động tốt, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Các doanh nghiệp này chính là cầu nối cho sự phát triển bền vững và ngày càng thịnh vượng giữa Vĩnh Phúc với Nhật Bản và thế giới.

Tuy nhiên, để công tác thu hút vốn FDI đạt hiệu quả, tỉnh cần làm rõ sự khác biệt giữa Vĩnh Phúc và các tỉnh khác có cùng lợi thế. Vĩnh Phúc cần lưu ý phát triển công nghiệp phụ trợ, chăm sóc các doanh nghiệp sau đầu tư, cải cách bộ phận một cửa theo hướng lo “trọn gói” thủ tục cho doanh nghiệp, xem xét lại giá thuê đất trong các khu công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Vĩnh Phúc luôn coi trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có thu hút FDI. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời luôn sát cánh, cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc sẽ tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước sạch.

Theo Báo Đầu Tư

Nguồn : Báo Công Thương điện tử