The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Quyết tâm đưa PCI trở lại top 10

Từng đứng vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nhiều năm nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt và rất tốt, tuy nhiên trong giai đoạn 2017-2019 Vĩnh Phúc đang có dấu hiệu “hụt hơi” khi rơi xuống nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá, với vị trí 17 (năm 2019). Nhận định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm đưa PCI trở lại top 10 năm 2020.
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại đưa Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh.
Nhìn từ “điểm sáng” PCI năm 2019
Năm 2019, xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành với tổng số điểm 66,75 điểm, tăng 2,2 điểm nhưng giảm 4 bậc so với năm 2018 chưa đạt được mục tiêu đề ra (mục tiêu nằm trong tốp 10), thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.
Trong đó, một số chỉ số thành phần giảm mạnh cả về thứ hạng và điểm số hoặc có cải thiện nhưng có thứ hạng thấp như: Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số Tính minh bạch; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; Chỉ số Đào tạo lao động…Đây là năm thứ 3 liên tiếp PCI Vĩnh Phúc tụt hạng.
Tuy nhiên, trong tổng thể bức tranh PCI ấy vẫn có những “điểm sáng” chỉ số thành phần mà kinh nghiệm, giải pháp ở đó có thể lấy làm cơ sở để nhân rộng ra các chỉ số thành phần khác.
Điển hình như Chỉ số gia nhập thị trường do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách. Năm 2017 chỉ số này xếp thứ 58/63 tỉnh, thành; năm 2018 tăng được 2 bậc lên thứ 56/63 tỉnh, thành. Tới năm 2019, chỉ số này nhảy vọt lên vị trí quán quân trong sự ngỡ ngàng của cả nước.
Chỉ số gia nhập thị trường trong PCI được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu thành phần liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động, như:
Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp; thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; tổng số giấy đăng ký và giấy phép cần thiết để chính thức hoạt động; thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ông Phan Tiến Dũng, Phó Phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch&Đầu tư cho biết: Sở dĩ Chỉ số tiếp cận thị trường có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua là do Sở Kế hoạch & Đầu tư đã quan tâm chỉ đạo sát sao cải tiến, hoàn thiện quy trình nội bộ giữa các bộ phận theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thủ tục cho các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng.
Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên tư vấn, hướng dẫn các thủ tục cho doanh nghiệp.
Năm 2019, 96% doanh nghiệp được hỏi đánh giá được cán bộ hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về các thủ tục.
Cùng với đó là sự quan tâm phối hợp nhịp nhàng trong việc hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị liên quan. Điều này là vô cùng quan trọng, vì các thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ sẽ rất dễ bị gián đoạn trong quá trình thực hiện.
Xác định nhiệm vụ và trách nhiệm làm đột phá
Cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để đạt mục tiêu nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước, năm 2020 điểm số PCI tối thiểu của tỉnh cần đạt 70 điểm tăng 3,25 điểm so với năm 2019.
Hầu hết các chỉ số thành phần đều cần phấn đấu tăng điểm, tăng thứ hạng, như: Đào tạo lao động đạt 7,5 điểm nằm trong tốp 10; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,7 nằm trong tốp 20; Chỉ số Tính minh bạch đạt 7,2 điểm nằm trong tốp 10; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,0 điểm nằm trong tốp 20…
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện nếu có quyết tâm, sự đồng cao cả hệ thống chính trị cùng với các giải pháp và bước đi phù hợp.
Chính vì vậy, UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần có liên quan, gắn trách nhiệm với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm 2020.
Thực hiện nghiêm túc các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh coi đây là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đối với một số thủ tục hành chính; nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành, tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực tạo môi trường đầu tư thông thoáng hấp dẫn.
Công khai minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các thông tin doanh nghiệp quan tâm. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, cung cấp kịp thời các thông tin liên quan mà nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu, quan tâm tìm hiểu…
Tin rằng, với quyết tâm và kinh nghiệm cũng như xác định nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm của mỗi cấp, ngành, địa phương, Vĩnh Phúc sẽ sớm có những cải thiện rõ rệt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.