The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Long: Kinh tế tư nhân trở thành động lực nền kinh tế

Trong những năm qua, nhất là kể từ sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), khu vực này ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi phát triển và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Vị trí, vai trò của KTTN từng bước được nâng lên; cơ chế chính sách về KTTN được triển khai kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Chương trình hành động số 16-Ctr/TU ngày 22/8/2017 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển KTTN và số 17-Ctr/TU về việc hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường đã giúp hình thành được các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn này phát triển theo hướng bền vững, từng bước đa dạng cả về loại hình, ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Trong đó, quy mô bình quân một doanh nghiệp đạt 9,68 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so năm 2015.
Theo ông Võ Quốc Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, việc thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KTTN góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Kết quả từ năm 2016 đến tháng 10/2020 đã thu hút đầu tư 120 dự án, tổng vốn 22.241 tỷ đồng, phát triển mới trên 1.600 doanh nghiệp, tăng gấp 3,5 lần và thành lập mới 103 hợp tác xã.
Thu hút vốn đầu tư đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm, gấp 1,35 lần so giai đoạn trước. Trong đó, đầu tư khu vực KTTN đóng vai trò quan trọng, tăng từ 22,3% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2015 lên 25,2% vào năm 2019.
“Kết quả thu hút vốn tư nhân tạo thêm nhiều năng lực mới cho nền kinh tế tỉnh nhà, kinh tế duy trì tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đạt bình quân 4,9%/năm và quy mô kinh tế năng suất lao động xã hội tăng 1,5 lần so năm 2015”- ông Võ Quốc Thanh cho biết.
GDP bình quân đầu người đạt 55,5 triệu đồng, đứng thứ 5 trong vùng ĐBSCL. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp giai đoạn 2016- 2020 đạt 49,3%, tăng 20,3 điểm phần trăm so giai đoạn trước.
Ðáng chú ý, nhiều DNTN đang điều chỉnh chiến lược, mở rộng đầu tư, kinh doanh theo hướng bền vững hơn, gắn nhiều hơn với công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Sự phát triển, thành công thành phần KTTN có sự khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hoạt động của chính quyền trong tỉnh. Điều này được thể hiện trong định hướng về phát triển kinh tế, tạo cơ cấu và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng đa dạng, cơ bản phù hợp chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV từng chia sẻ, nếu giai đoạn đầu chỉ đầu tư nhà máy gia công xay xát lau bóng gạo có công suất khoảng 100 tấn ngày/đêm, thì khoảng 2005 công ty mạnh dạn đầu tư thêm nhà máy mới công suất cao hơn gấp nhiều lần và đầu tư vào chế biến gạo chất lượng cao.
Với môi trường kinh doanh thuận lợi, công ty không chỉ lúa gạo mà gần đây còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như: cho thuê kho, nhà xưởng, dịch vụ khách sạn, ăn uống…
Tuy nhiên, nhìn chung theo đánh giá khu vực KTTN của tỉnh đa số vẫn là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa nên quy mô vốn đầu tư ít. Bình quân vốn đăng ký 1 doanh nghiệp chỉ khoảng 2,85 tỷ đồng.
Vì vậy vấn đề cân đối, sử dụng vốn đầu tư và tái sản xuất các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trình độ năng lực cơ cấu ngành nghề thiếu liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp với thành phần kinh tế khác để giúp nhau tăng hiệu quả trong hoạt động.
Vì vậy, trong định hướng giai đoạn tiếp theo, Sở Kế hoạch- Đầu tư xác định, tập trung và thực hiện tốt chức năng về quản lý nhà nước, đặc biệt chỉ đạo của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục; rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế, tạo điều kiện, tạo môi trường để doanh nghiệp đầu tư vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- cho rằng, cần chủ động đổi mới sáng tạo trong tư duy hoạt động, chính quyền đồng hành không chỉ cải cách hành chính mà còn có định hướng phát triển kinh tế một cách có chiến lược, quy hoạch ngành nghề hợp lý công khai minh bạch để doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư.
Ông Võ Quốc Thanh cho biết, quyết tâm của tỉnh sẽ thực hiện cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện hiệu quả chỉ số quản trị hành chính công; chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách toàn diện, bền vững.
Để khu vực KTTN trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân thuận lợi, dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư và mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.