The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ưu đãi cho FDI, có cần thiết?

Lắp ráp ti vi tại Công ty LG Electronics Việt Nam. Ảnh: HẢI TRẦN

Cuối cùng thì Tập đoàn Samsung Electronics, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, cũng đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. Nhưng những đề xuất ưu đãi cho dự án trước đó của Samsung một lần gợi lại câu hỏi có nên ưu đãi cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xu hướng toàn cầu

Trước hết phải khẳng định rằng ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài là chính sách đang được nhiều quốc gia sử dụng để thu hút dòng vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài vào trong nước. Xu hướng mở rộng ưu đãi thậm chí ngày càng rộng lớn hơn, theo các báo cáo thường niên về đầu tư FDI gần đây nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển.

Các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đã và đang tạo ra những điều kiện ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI để thu hút đầu tư. Malaysia là một thí dụ. Từ năm 1996, chính sách thu hút đầu tư đã khiến quốc gia này chấp nhận giảm thu khoảng 2,4 tỷ USD chỉ riêng từ việc bãi bỏ thuế thu nhập lũy tiến và thuế kinh doanh. Đổi lại, Malaysia nhận được lợi ích tương đương với 30 nghìn USD trên một việc làm mà doanh nghiệp FDI tạo ra.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, với thuế suất ưu đãi giảm từ 25% xuống còn 10% - 20% trong vòng 30 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI còn có thể được miễn giảm tiền thuê đất trong vòng 15 năm. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới công bố cuối tháng ba, có tới gần hai phần ba doanh nghiệp FDI cho biết đã nhận được những ưu đãi về đầu tư.

Mấy năm gần đây, chính sách ưu đãi cho các dự án FDI thậm chí còn cởi mở hơn, sau khi Chính phủ và Quốc hội đồng ý bổ sung một số ưu đãi mới trong Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014. Những ưu đãi đó bao gồm ưu đãi cho các dự án đầu tư mở rộng và ưu đãi cho các dự án FDI quy mô lớn sử dụng nhiều nhân công. Ngoài ra những tiêu chí được hưởng những ưu đãi của một dự án công nghệ cao cũng được nới lỏng hơn.

Đối với những dự án lớn như của Samsung, LG hay Formosa thì những ưu đãi nhận được không hề nhỏ. Đó là chưa kể đến chính quyền địa phương vẫn thường dành nhiều ưu ái cho những nhà đầu tư đó hơn là với các nhà đầu tư trong nước.

Có cần thiết?

Lễ khởi công nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Thực tế, hiện nay các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, dự án lớn là dành cho tất cả các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Nhưng do sự mất cân bằng giữa tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ và năng lực quản lý nên nhà đầu tư nước ngoài thường lại được hưởng lợi nhiều hơn. Còn các công ty trong nước phần lớn là ở quy mô nhỏ và vừa nên khó đáp ứng được những tiêu chí để được hưởng ưu đãi. Hơn nữa, nhiều địa phương cũng có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế có quan điểm bảo vệ doanh nghiệp trong nước đã lên tiếng phản đối những ưu đãi đó, khi họ cho rằng doanh nghiệp trong nước đang chịu thiệt và bị lấn át bởi doanh nghiệp FDI.

Vậy câu hỏi đặt ra là kết quả của bài toán chi phí - lợi ích từ việc triển khai các ưu đãi này là thế nào?

Khi được hỏi về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kiêm Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng không thể bỏ chính sách ưu đãi dành cho các dự án FDI.

“Trong khi các quốc gia khác đang tham gia vào cuộc cạnh tranh thu hút FDI bằng những ưu đãi rất lớn cho nhà đầu tư, nếu chúng ta đưa ra ưu đãi kém hơn, vốn FDI sẽ vào các quốc gia khác như Malaysia hay Indonesia thay vì Việt Nam”, ông Mại nói.

Thêm vào đó vị chuyên gia hàng đầu về FDI tại Việt Nam này chỉ ra rất nhiều lợi ích không thể chối cãi của hoạt động thu hút FDI. Chẳng hạn, đối với các quốc gia đang phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể mang lại nguồn vốn đầu tư rất cần thiết, tạo thêm việc làm. Hơn nữa, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng ít có xu hướng tháo chạy nhanh chóng như hình thức đầu tư gián tiếp. Do vậy, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao hay tình hình đầu tư ảm đạm, các nước vẫn có thể đưa ra các biện pháp ưu đãi nhằm thu hút đầu tư.

Lấy chính hai tổ hợp sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên làm thí dụ. Cho đến nay, hai tổ hợp này là nơi làm việc của hơn 130 nghìn lao động trong nước. Kể từ khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Samsung cũng đã biến Việt Nam thành một trong những trung tâm điện thoại lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm các công ty vệ tinh khác đầu tư vào Việt Nam và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm nữa. Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại Hà Nội cũng là nơi làm việc của hơn 1.600 kỹ sư người Việt. Những kỹ sư này được ông Mại miêu tả như là những tài sản quý giá của nguồn nhân lực Việt Nam sau này.

“Đó chính là hiệu ứng lan tỏa về chuyển giao công nghệ. Tôi biết một số kỹ sư làm tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung nay đã chuyển sang làm việc cho Viettel, mang theo kiến thức, công nghệ mà họ học hỏi được từ Samsung”, ông Mại nói.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương, Samsung đã thiết lập các chương trình đào tạo và tổ chức hội thảo kỹ thuật cho các bộ phận cung ứng đó. Tập đoàn này cũng đã lập quỹ hỗ trợ tài chính cho nhà cung cấp, chẳng hạn như quỹ cho vay lãi suất thấp trị giá chín tỷ won (7,5 triệu đô la) để hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn nhằm phát triển kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và tổ chức hoạt động.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng những liên kết như thế còn rất hạn chế và do đó dẫn đến hầu như có rất ít những chuyển giao về công nghệ trên thực tế. Theo báo cáo PCI 2015, trong khi 1.000 doanh nghiệp FDI mua hàng hóa dịch vụ từ các nhà cung cấp tư nhân trong nước, thì cũng có tới 1.500 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ các nhà cung ứng cùng nước xuất xứ hoặc từ nước thứ ba. Điều đó cho thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng nội địa vẫn còn nhiều không gian để tăng cường và cải thiện.

Để tận dụng tốt những cơ hội và lợi ích mà các dự án FDI mang lại, ông Mại cho rằng điều cần thiết bây giờ là phải có các chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nhằm tham gia được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

“Thay vì kêu ca doanh nghiệp FDI được ưu đãi quá nhiều, hãy đưa ra gợi ý về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tốt hơn”, ông Mại nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế có quan điểm bảo vệ doanh nghiệp trong nước đã lên tiếng phản đối những ưu đãi đó, khi họ cho rằng doanh nghiệp trong nước đang chịu thiệt và bị lấn át bởi doanh nghiệp FDI.

Báo Nhân dân