The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tuyên Quang: Nỗ lực cải thiện thiết chế pháp lý

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm qua đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một vài chỉ số thành phần của PCI tỉnh ta không tăng, đã và đang đặt ra vấn đề về hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ở góc độ thiết chế pháp lý.

Cán bộ giao dịch của các doanh nghiệp trong tỉnh theo dõi thông tin tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với năm 2014, chỉ số PCI năm 2015 tỉnh ta có chỉ số thành phần Hỗ trợ doanh nghiệp giảm từ 5.13 điểm xuống còn 4.96 điểm và chỉ số Thiết chế pháp lý giảm từ 6.57 điểm xuống còn 5.83 điểm. Để giải quyết bài toán này, trong thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 theo Kế hoạch số 78/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh với mục tiêu trọng tâm là tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thông tin pháp luật, nâng cao PCI, đặc biệt là chỉ số thành phần Thiết chế pháp lý.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, Sở Tư pháp đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan biên soạn và cung cấp gần 2.000 đề cương tuyên truyền 11 luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9. Sở đã hoàn thành rà soát 262 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực theo chuyên đề về cải cách hành chính, kiến nghị xử lý 92 văn bản có nội dung không còn phù hợp. Trên cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh, Sở đã đăng tải 191 lượt văn bản của Trung ương, địa phương và hàng chục tin, bài về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết các tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, ngày 26-5, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Đồng chí Đồng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, đợt tập huấn đã trang bị cho các đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh kiến thức pháp luật về pháp nhân, xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại; nắm được quy định về trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại, quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; về trình tự, thủ tục khởi kiện để tòa án nhân dân giải quyết các vụ án dân sự, việc dân sự... từ đó nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp cũng cần được thường xuyên thay đổi nội dung, hình thức và cách thức truyền tải kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã để tránh tình trạng nhàm chán, khiến các đơn vị khó tiếp thu trong việc nâng cao nhận thức, cải thiện năng lực về hoạt động pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp. Đồng thời, Sở Tư pháp chủ động rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về kinh doanh và doanh nghiệp, rà soát các thủ tục hành chính đã được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bài, ảnh: Thái Dương

Báo Tuyên Quang