The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tự châm kim vào mình để hiểu nỗi khổ thủ tục hành chính

Nếu các cơ quan công quyền coi việc của dân, của doanh nghiệp như việc của mình, những lời kêu ca về thủ tục hành chính sẽ vơi đi ít nhiều.
Thấu cảm để hành động
Lan là học viên tốt nghiệp một học viện về y học dân tộc cổ truyền cách đây ít lâu. Vào nghề châm cứu, mỗi khi cái kim được châm xuống, Lan thường hỏi bệnh nhân xem có đau không, cảm giác thế nào. Lan kể, ‘khi học ở trường, chúng em phải tự châm kim vào mình thường xuyên. Bởi nếu không châm kim vào bản thân, thì làm sao chúng em biết được cảm giác của bệnh nhân khi kim châm vào mình như thế nào để làm cho đúng".
Chuyện Lan tự châm kim vào mình để hiểu được “cảm giác của bệnh nhân” tưởng chẳng liên quan gì đến vấn đề bài viết này đề cập, nhưng thực sự lại có những sự gần gũi. Đôi khi, những nỗi vất vả của người dân, doanh nghiệp khi bị “hành” bởi biết bao thủ tục hành chính, của môi trường kinh doanh sẽ vơi đi ít nhiều nếu có những cán bộ công quyền biết thấu cảm như cách nhà trường dạy các học viên và trở thành phương châm thực hành nghề nghiệp theo suốt cuộc đời.
Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có hai sự kiện lớn, đều liên quan đến thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh. Một là hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI), còn một là công bố đánh giá chương trình cải cách kinh doanh Việt Nam với góc nhìn từ doanh nghiệp.
Tự châm kim vào mình để hiểu nỗi khổ thủ tục  hành chính-1
Dựa trên đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ, báo cáo của VCCI cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, không chỉ thể hiện qua các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế mà cả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh tại Việt Nam. Còn kết quả điều tra PCI cho thấy sự chuyển động tích cực của nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay.
Trong 5 năm qua, những lĩnh vực có chuyển động tích cực bao gồm chi phí không chính thức giảm, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, kết quả điều tra qua các năm cho thấy, chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ hơn mức độ minh bạch trong điều hành kinh tế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi tại cấp huyện thị sở ngành; tiếp tục tập trung giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và gánh nặng thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp; và đồng thời tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Tự châm kim vào mình để hiểu nỗi khổ thủ tục  hành chính-2
Đấy là đánh giá chung nhưng đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, 2 bản báo cáo dày vài trăm trang ấy đã phân tích ra biết bao thủ tục hành chính rườm rà, rắc rối, chồng chéo, mâu thuẫn mà người dân, doanh nghiệp phải chịu đựng hàng ngày; những chi phí dưới gầm bàn vẫn được chỉ tên, tham nhũng vặt vẫn được đặt vào sự soi chiếu của dư luận.
“Các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm các thủ tục về xây dựng so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có quy mô lớn. Chi phí không chính thức là vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải. Nguyên nhân lớn nhất gây ra sự phiền hà của doanh nghiệp là cán bộ giải quyết hồ sơ và các quy định của pháp luật”, một trích đoạn trong báo cáo của VCCI viết.
Và nhận định này đã trở nên quen thuộc trong nhiều báo cáo về cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh ở Việt Nam cả chục năm qua. Nếu từ góc độ này, dường như những câu chuyện gây nhức nhối nhất vẫn chưa được chấm dứt. Thậm chí có một số thủ tục như: đất đai, thuế, phá sản DN rất ít tiến bộ.
Tốt lên và thu trái ngọt
Môi trường kinh doanh đôi khi không phải là ưu tiên chính sách của một địa phương nào đó. Nhưng không nỗ lực để cải thiện các chỉ số này, địa phương ấy có thể tụt hậu dù thực tế đang là “đầu tàu”, ngược lại, địa phương nào coi đó như “việc không thể trì hoãn” thì thành quả nhận được cũng rất lớn lao.
Với Quảng Ninh, điểm số PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh đã vượt qua chính mình để xác lập vững chắc vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Tự châm kim vào mình để hiểu nỗi khổ thủ tục  hành chính-3
Trong khi đó, Đà Nẵng nhiều năm nay đã rơi khỏi vị trí đứng đầu và ngày càng xa rời top 3. Lào Cai từ vị trí đứng đầu thì vài năm nay liên tục trồi sụt. Dữ liệu PCI trong vòng 15 năm qua cho thấy, Lào Cai từng đứng thứ nhất và nhiều lần trong top 5, top 10 toàn quốc, song cũng trải qua nhiều biến động khi chỉ xếp thứ 17 (năm 2013) và thứ 25 (năm 2019). Năm 2020 Lào Cai đứng thứ 16 toàn quốc, nằm trong top khá.
Điều đó cho thấy nếu lơ là, các địa phương hoàn toàn có thể “tụt hạng” trong con mắt đánh giá của người dân, doanh nghiệp.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, ông luôn ghi nhớ những cuộc họp của các lãnh đạo Quảng Ninh các thời kỳ. Cuộc họp khó khăn nhất là tìm câu trả lời cho 1 câu hỏi: Muốn phát triển thì phải tháo gỡ các điểm nghẽn? Một trong những điểm nghẽn là thủ tục hành chính mà ông nhấn mạnh “điểm nghẽn về hành chính dứt khoát phải tự làm”.
Những lãnh đạo cao nhất của Quảng Ninh, đến các cán bộ cấp dưới đều đã phải trải qua những chuyến học tập kinh nghiệm ở Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và ở các nơi thành công về đổi mới cải cách hành chính trong nước như Bình Dương, Đà Nẵng. Tất cả nhằm thiết kế mô hình tối ưu cho Quảng Ninh với tâm niệm “hành chính là của mình, người của mình, mình phải làm chứ”.
Bến Tre – một tỉnh nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là trường hợp đáng để tham khảo. Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, hạ tầng còn khó khăn cách trở, nhưng nhiều năm liền địa phương này lọt vào top10 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ngay lối vào trụ sở UBND tỉnh Bến Tre, người dân, doanh nghiệp có thể thấy ngay khẩu hiệu “chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Đó là phương châm của nhiệm kỳ tới. Đồng hành cùng doanh nghiệp tức là cái gì có thể giúp cho DN mà đúng quy định pháp luật thì giúp cho DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển sao cho tốt nhất.
“Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm, có thể nói điều này mang tính chất quyết định cho sự phát triển. Trước đây, Bến Tre không có trung tâm hành chính công thì nay đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Đặc biệt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính phải được chấn chỉnh sửa đổi, tinh thần thái độ của cán bộ phục vụ phải được quán triệt”, ông Trần Ngọc Tam cho biết.
Nếu nhìn những địa phương nằm trong top đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, điều dễ nhận thấy là họ đã có những sáng kiến, cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trong đó, nhiều địa phương đã thu được nhiều vốn đầu tư hơn, trở thành điểm sáng về tăng trưởng.
Cải cách hành chính đôi khi giống như “lấy đá ghè chân mình”, nhưng không thể không làm. Nếu không “lấy đá ghè chân mình” thì không thể loại bỏ được những ung nhọt lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng trong bộ máy thực thi. Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân, doanh nghiệp bằng những hành động như vậy cũng giống như cách những học viên như Lan phải tự châm kim vào mình để hiểu được cảm giác của người bệnh vậy.
Biết thấu cảm với nỗi đau, nỗi vất vả của người khác, thì mọi thứ cũng sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.