The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TPHCM triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở - ban, ngành và địa phương

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở - ban, ngành và địa phương (chỉ số DDCI) TPHCM năm 2022.

Kế hoạch nhằm mục tiêu thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở - ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế xã hội giữa các sở - ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Thực hiện khảo sát, đánh giá trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn TP tiến tới đo lường và cải thiện thường niên năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở - ban, ngành.

Kế hoạch cũng nhằm đánh giá công tác điều hành của các chính quyền địa phương và một số sở - ban, ngành trong năm 2022, nghiên cứu giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP trong những năm tiếp theo; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của TP như là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt chủ đề năm 2022 của TP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tổng hợp thông tin, tiếp tục tạo nền tảng tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo kênh chủ động tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, kịp thời và thiết thực.

Theo kế hoạch, phạm vi, quy mô khảo sát là các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn TPHCM; các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Số lượng dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25 – 30%). Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương, 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối Sở - ban, ngành.

Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến là các chỉ số thành phần DDCI năm 2022 gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở - ban ngành và chính quyền địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (nội dung an ninh trật tự chỉ áp dụng cho khối địa phương); Vai trò của người đứng đầu sở - ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Các chỉ số có thể được điều chỉnh (thêm/bớt) trong quá trình xây dựng bộ chỉ số DDCI của đơn vị tư vấn cho phù hợp với thực tiễn của TP và phải được UBND TP phê duyệt.

Việc khảo sát sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của TP, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc TP nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng TPHCM gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Thời gian tiến hành khảo sát từ ngày 15/10/2022 đến 15/1/2023; tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023 trước ngày 15/3/2023.

Theo Trang TTĐT Thành phố HCM