Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đã ký các báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Thường xuyên đánh giá tình hình tham nhũng

Trong báo cáo này, Chính phủ khẳng định, “việc đánh giá tình hình tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương hàng năm được triển khai thường xuyên, đặc biệt là đối với cấp tỉnh”.

Từ năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, tài liệu hướng dẫn; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác đánh giá của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác lập hồ sơ, đánh giá. Tất cả các địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, xây dựng hồ sơ và có báo cáo tự đánh giá, tự chấm điểm.

Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, khuyến khích các tỉnh, TP thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng của địa phương mình, góp phần xây dựng Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”.

“Lần đầu tiên việc đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương được thực hiện trên cơ sở các chỉ tiêu định lượng được, qua đó phản ánh khá sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương đó. Kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 cũng khá tương đồng với kết quả đo lường của các bộ chỉ số khác như Par Index, PAPI, PCI”, báo cáo nêu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, hoàn thiện Bộ Chỉ số và đã có báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017, 2018 trên phạm vi toàn quốc.

Với năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và đang trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời tiếp tục xây dựng đề cương hướng dẫn các đơn vị đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Căn cứ kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá để đề xuất áp dụng phương pháp đánh giá và xây dựng bộ chỉ số cụ thể đối với các bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công và doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Chính phủ, cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy và hỗ trợ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh

Chính phủ đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, cũng như chỉ thị của Bộ Chính trị nhằm tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng; gắn kết quả công tác phòng, chống tham nhũng với việc đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có…

Chính phủ cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Thanh tra Chính phủ thực hiện luôn được Chính phủ chỉ đạo bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ, kịp thời.

Theo đánh giá của Chính phủ, nhiều vụ việc được Thanh tra Chính phủ thanh tra, phát hiện sai phạm nghiêm trọng, kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm minh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức thực hiện; thu hồi được tài sản có giá trị lớn... đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳn thắn cho rằng, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, một số việc thực hiện còn chậm so với tiến độ đề ra như việc xây dựng nghị định về kiểm soát tài sản và thu nhập và đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng với các bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công, các doanh nghiệp Nhà nước chưa đồng bộ, thống nhất với phương pháp đánh giá các địa phương.

Cạnh đó, việc triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, hiệu quả hạn chế. Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với người đứng đầu khi có xảy ra tham nhũng...

Theo Báo Thanh tra