The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016 và Nghị quyết 35 của Chính phủ

Sáng 6.7, Thường trực UBND tỉnh đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo kế hoạch hành động của Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành cấp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Chủ trì Hội nghị.

Dự thảo kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Thanh Hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu và cụ thể cho các cơ quan, ban ngành như: Rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế chính sách do TW ban hành; Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 70 ngày (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến các cơ quan), giảm thời gian cấp Giấy phép xây dựng còn 15 ngày (giảm 5 ngày), rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn 14 ngày, đến năm 2020 giảm xuống còn 10 ngày, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp xuống còn dưới 28 ngày.

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35 đặt ra mục tiêu: rút ngắn thời gian thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời gian thông quan hàng hóa… Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 15.000 DN hoạt động, đạt tỷ lệ 41 doanh nghiệp trên 1 vạn dân.

Thảo luận tại Hội nghị, các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các Sở, Ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo kế hoạch, như: đề nghị quy định giao Thanh tra tỉnh là đầu mối soạn thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể để tránh chồng chéo, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tăng cường hướng dẫn hỗ trợ để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật, tránh rủi ro cho DN. Nhiều ý kiến đề xuất nên tích hợp kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 thành 1 kế hoạch chung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất giao Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh kế hoạch trong đó tích hợp chung mục tiêu và kế hoạch hành động thực hiện ba nghị quyết, đó là: Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh khóa 18 về các khâu đột phá, Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu là phấn đấu hàng năm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PaPi đứng trong tốp 10 cả nước, đến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 6 cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình xứng yêu cầu ban soạn thảo phải xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm cắt giảm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp như tiếp cận vốn, đất đai, lao động, trong đó có thể quy định cụ thể về thời gian giải phóng mặt bằng như một cam kết của chính quyền với doanh nghiệp, quy chế về tiếp nhận giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét lại nguồn phát triển doanh nghiệp, nhằm nâng mục tiêu phát triển đến năm 2020 không chỉ dừng lại ở 15.000 doanh nghiệp như đã đặt ra./.

Phương Thảo - Xuân Trường