The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thừa Thiên Huế: Vững tin bước vào năm 2015

Dấu ấn năm 2014

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2014, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước chưa thực sự ổn định vững chắc đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất - kinh doanh và môi trường đầu tư của cả nước, tác động đến kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh không thuận trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của Thừa Thiên Huế vẫn có chuyển biến tích cực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,23%.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, điểm nhấn rõ nét nhất của tỉnh trong năm 2014 chính là hoạt động du lịch khá sôi nổi thông qua việc tổ chức thành công Festival Huế 2014 với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội thi, các chương trình lễ hội, nghệ thuật đặc sắc.

"Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng tạo chuỗi sự kiện hấp dẫn như Lễ hội Sóng nước Tam Giang tại huyện Quảng Điền; Festival Thuận An biển gọi; Lễ hội Lăng Cô Vịnh đẹp thế giới...", ông Cao nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển đa dạng tour, tuyến, sản phẩm du lịch; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng... Nhờ đó, tỉnh đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Huế. Ước tính, năm 2014, tổng lượt khách lưu trú đến Huế đạt 1,840 triệu lượt, tăng 4% so với năm 2013, doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 14,9%.

Cũng theo ông Cao, công tác quảng bá xúc tiến thương mại, đầu tư được tỉnh đặc biệt chú trọng, khi tổ chức, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến, giao lưu đối thoại như Hội nghị xúc tiến du lịch tại TP.HCM; Hội nghị liên kết phát triển du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Tọa đàm quảng bá Festival Huế 2014; Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2014; Hội thảo kinh tế hội nhập và kết nối - Cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức hội thảo chiến lược phát triển công nghiệp du thuyền Việt Nam tại TP. Huế...

Trong năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử nhiều đoàn tham dự những hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm như Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế (WTM-2014) tại Anh... và phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán các nước Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu, xúc tiến thương mạ, đầu tư.

Năm 2014, tình hình sản xuất công nghiệp chuyển biến khả quan, chỉ số sản xuất (IIP) tăng rõ rệt qua từng quý. Ước cả năm 2014 chỉ số sản xuất tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của năm 2013 và so với mức dự kiến kế hoạch (7%); đây cũng là mức tăng khá tốt so với mức tăng dự tính của toàn quốc (6,7%).

Liên quan đến tình hình hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, ông Cao cho biết, năm 2014, tỉnh đã cấp phép mới cho 6 dự án đầu tư trong nước, 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 2.078 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 91 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 18.372,1 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 10.454 tỷ đồng, bằng 57,4% vốn đăng ký.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được đánh giá là điểm tựa phát triển cho kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2014, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 3 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký 193 tỷ đồng; nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực lên con số 36, tổng vốn đầu tư đăng ký 38.057 tỷ đồng.

Với chủ đề trọng tâm năm 2014 là năm đô thị, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đường Đống Đa, cầu Đông Ba, đường và cầu Hữu Trạch; tập trung nguồn lực cho các công trình chỉnh trang đô thị, hạ tầng phục vụ Festival 2014 như tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn - Hoàng Thành, chỉnh trang hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng toàn tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh; hoàn thành xây lắp các hạng mục như san nền, cấp, thoát nước, cắm cọc phân lô 10 khu tái định cư tập trung và 7 khu tái định cư xen ghép phục vụ giải tỏa trên địa bàn các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Hương Trà; trong đó, có hai khu tái định cư đã hoàn thành việc giao đất cho dân.

Một số dự án của các doanh nghiệp như Nhà máy Thủy điện Tả Trạch Bitexco, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, Nhà máy Sợi Phú Hưng, Nhà máy May Thiên An Phú, Vinatex... đã được chạy thử; Nhà máy Bia Phú Bài giai đoạn II đã được hoàn thành và đi vào sản xuất vào cuối năm 2014. Một số công trình lớn như nhà máy gạch không nung tại cụm công nghiệp Tứ Hạ, Dự án 500 căn hộ cho người thu nhập thấp của Công ty Vincoland... cũng đã được khởi công xây dựng.

Điều đáng ghi nhận nhất của năm 2014 chính là TP. Huế vinh dự là thành phố đầu tiên của Việt Nam được trao danh hiệu "Thành phố Văn hóa của ASEAN", "Giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường". Đặc biệt, Festival Huế 2014 thành công rực rỡ đã tạo ấn tượng tốt với bàn bè quốc tế, nâng cao thương hiệu văn hóa cố đô Huế và con người Việt Nam.

Kỳ vọng bước ngoặt 2015

Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhận định, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược, nằm trên Hành lang Kinh tế Đông Tây, hội tụ tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, kinh tế - xã hội phát triển ổn định... Đặc biệt, con người Huế với bản sắc thương hiệu Huế: truyền thống hiếu khách, cộng đồng sáng tạo và bền vững, cách sống hòa hợp với thiên nhiên. Hơn nữa, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 tăng 28 bậc so năm 2012, Thừa Thiên Huế được xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố. Đây là nền tảng tốt để tỉnh có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2015.

Bên cạnh đó, dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhẹ; kinh tế trong nước trên đà hồi phục với mức tăng trưởng khá; Việt Nam sắp ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho lĩnh vực dệt may, thuỷ sản... Điều quan trọng là, một số cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ đối với Thừa Thiên Huế có hiệu lực thi hành... Vì thế, lãnh đạo Thừa Thiên Huế tin tưởng rằng, năm 2015, tỉnh sẽ có bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Năm 2015, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Dự kiến, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng khoảng 9,0%, tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người 2.000 USD; giá trị xuất khẩu đạt 680 triệu USD; tổng đầu tư toàn xã hội 16.200 tỷ đồng, tăng 15%; thu ngân sách nhà nước 4.851,6 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 16.000 người", ông Cao cho biết.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào các chương trình trọng điểm trong năm 2015 như chương trình phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật, chương trình phát triển du lịch và dịch vụ, chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào một số dự án trọng điểm như nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, hai hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Dự án Nâng cấp cầu cảng số 1 Chân Mây phục vụ đón tàu du lịch cỡ lớn; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh (Huế - Quảng Điền), đường Điện Biên Phủ, chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc, đường du lịch cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Lăng Gia Long, đường vào Điện Hòn Chén, đường tỉnh lộ 1 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An, nâng cấp tỉnh lộ 10A - đoạn qua khu C, An Vân Dương....

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng đô thị; ưu tiên các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất; thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, hạ tầng kỹ thuật tạo vốn từ quỹ đất.

"Với chiến lược đưa toàn tỉnh lên đô thị, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị theo hướng mô hình đô thị đặc thù - Thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường". Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, phát động phong trào xây dựng thành phố sạch đẹp", ông Cao nhấn mạnh và nhận định, thế mạnh của Thừa Thiên Huế là du lịch, vì vậy, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước thông qua việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong những năm tới.

Để làm tốt việc này, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu kết nối, hoàn thiện dịch vụ cho sản phẩm du lịch tâm linh đến hệ thống chùa Huế; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng quê, làng nghề...; phát triển sản phẩm du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang, du lịch cộng đồng ở một số địa phương Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền.

Đặc biệt, tỉnh nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các di tích trên địa bàn, nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn với thương hiệu Thành phố Festival, Thành phố Văn hóa Asean. Đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các dịch vụ phục vụ du khách cập cảng Chân Mây, thúc đẩy phát triển du lịch đường biển. Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến, liên kết mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa để phục vụ phát triển dịch vụ du lịch.

"Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm theo Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ tắm biển Thuận An...", ông Cao nói.

Theo Sơn Thắng Báo Tin nhanh chứng khoán ngày 02/01/2015