The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp để nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ngày 31/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị Năng cao nâng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện về chất lượng quản lý, điều hành và môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới. Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị xã, thành phố Huế; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh cùng đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tham dự hội nghị và có bài đánh giá tổng quan về chỉ số PCI, nguyên nhân và một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trao đổi cởi mở, thẳng thắn

Theo bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa được công bố trong tháng 3/2016, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2015, của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí 29/63, giảm 16 bậc so với năm 2014. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI có 04 chỉ số thành phần tăng, 01 chỉ số thành phần duy trì, còn lại 05 chỉ số thành phần giảm vị trí xếp hạng, gồm Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước xếp thứ 56/63, giảm 36 bậc; Chỉ số Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất xếp thứ 48/63, giảm 31 bậc; Chỉ số Thiết chế pháp lý xếp thứ 51/63, giảm 25 bậc; Chỉ số Tính minh bạch xếp thứ 13/63, giảm 4 bậc; Chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 28/63, giảm 3 bậc.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho hay, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư và thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp…Tuy nhiên PCI của tỉnh từ vị trí cao đã giảm dần xuống trung bình khá của bảng xếp hạng trong hai năm trở lại đây. Sự chững lại và sụt giảm này, bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan đòi hỏi tỉnh Thừa Thiên Huế phải nghiêm túc nhìn nhận thực chất các vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ công, đồng thời đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Đánh giá kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết, tiếp cận đất đai của Thừa Thiên Huế đang suy giảm trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở đây đã gặp nhiều khó khăn không chỉ là quỹ đất, giá đất mà còn những thủ tục hành chính về đất đai. Vấn đề chi phí về thời gian cũng có nhiều điều phải bàn, bởi theo điều tra của PCI trong thời gian qua, lượng DN tiếp nhận nhiều đoàn thanh tra kiểm tra; đặc biệt có những cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo. Ngoài ra Thừa Thiên Huế chưa có những đột phá trong những lĩnh vực khác như về chất lượng đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp một cách công bằng và hiệu quả.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, trong hội nhập hiện nay, các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ có mối liên kết với nhau mà phải gắn kết với các Hiệp hội, đồng hành với đó các Hiệp hội phải gắn với các Bộ,Ngành để tìm hiểu tình hình chung và điều chỉnh nó. Và điều cần ở đây là Doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin để không “chìm” và phải “bay” cùng với các Doanh nghiệp trong cả nước để vươn lên.

Tại hội nghị, các Doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất mong được tháo gỡ như: Cơ chế một cửa cần có đội ngũ cán bộ có đức, tài và kinh nghiệm để hướng dẫn nhà đầu tư thuận lợi; cần xem lại môi trường đầu tư “tại sao Doanh nghiệp tìm đến Thừa Thiên Huế đầu tư và lý do nào họ lại ra đi”; công khai các chính sách về giải phóng, đền bù, cơ sở hạ tầng và các số liệu, dữ liệu của tỉnh cần có đầu mối để Doanh nghiệp có số liệu chuẩn xác; nên hỗ trợ mạnh những nhà đầu tư tiên phong, có hiệu quả...

Công khai minh bạch, thời gian rút ngắn

Năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn là Năm doanh nghiệp, vì vậy mục tiêu đưa ra là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch, tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Đổi mới công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo sát hơn với nhu cầu thị trường. Tạo điều kiện mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tư nhân trên các lĩnh vực tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại…

Về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức để rút ngắn thời gian cũng như công khai minh bạch chỉ tiêu, đất đai, thông tin dự án cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và mở chuyên mục góp ý nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên Công thông tin điện tử tỉnh. Về lâu dài sẽ sắp xếp lại các đơn vị xúc tiến đầu tư ở các sở, ngành để giảm đầu mối, nhằm cải thiện hơn môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với các chính sách ưu đãi ưu đãi của tỉnh để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Báo Thừa Thiên Huế