The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thanh Hóa: Tiếp tục đột phá cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.”
Ông Lê Minh Nghĩa , Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Minh Nghĩa , Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Những năm qua, Thanh Hoá đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; vì vậy, lĩnh vực thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng. Minh chứng là các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có sự chuyển biến, tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 xếp thứ 24 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016, tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đăng ký là 114.500 tỷ đồng và 3,6 tỷ USD. Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; giai đoạn 2016-2020 có 14.200 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 99.000 tỷ đồng gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015 và đứng thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư tại Thanh Hóa.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư tại Thanh Hóa.
Ông Lê Minh Nghĩa , Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt; là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động, xúc tiến đầu tư và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn trong nước biết đến và đầu tư thành công tại Thanh Hóa. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính.
“4 tăng” là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai minh bạch, tăng trách nhiệm trong thực thi công vụ và tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân; “2 giảm” là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc và không giới hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục của các nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thanh Hóa đề xuất: Chúng ta cần tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; rà soát, điều chỉnh bổ sung các chương trình kế hoạch phát triển các ngành lĩnh vực phù hợp với quy hoạch tỉnh được duyệt.
Tiếp tục tham mưu cho tỉnh các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các nhà đầu tư lớn. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “2 đồng hành” và “3 cam kết” với các nhà đầu tư.
“Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, có thể nói rằng, không sợ thiếu bất kỳ nguồn lực phát triển nào, kể cả nguồn lực tài chính và nguồn lực khoa học công nghệ cao mà chỉ sợ thiếu cơ chế chính sách tốt và một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu có cơ chế chính sách tốt, cộng với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thì tôi tin chắc rằng Thanh Hóa sẽ có đủ điều kiện để đạt được các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 và trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc như Nghị quyết 58 của bộ Chính trị đã đề ra”, ông Nghĩa nhận định.