The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thái Nguyên: Tăng hạng, nâng chất

Những nỗ lực của Thái Nguyên trong việc cải thiện chỉ số PCI, được thể hiện rõ khi Thái Nguyên đã vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI năm 2015. Đây là lần thứ hai liên tiếp Thái Nguyên đứng trong Top10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất.

Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần đã có 6 chỉ số tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; tính năng động; cạnh tranh bình đẳng, chỉ còn 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2014 gồm: hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; chi phí không chính thức.

Hành động cụ thể

Để có được kết quả trên, dựa vào việc phân tích các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI, năm 2014, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo PCI đã chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện 6 chỉ số giảm điểm, đồng thời duy trì 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2013.

Cụ thể, đối với các chỉ số tăng điểm như chỉ số gia nhập thị trường, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 02/07/2015 về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016 của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 23/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đến nay đã có 18/20 sở, ban, ban, ngành, 9/9 đơn vị cấp huyện, 180/180 đơn vị cấp xã giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Về hỗ trợ DN, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, gặp mặt các DN, doanh nhân trên địa bàn, qua đó tiếp thu nhiều kiến nghị, đề xuất, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: Tổ chức Hội nghị gặp mặt các DN và triển khai nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015; tổ chức hội nghị PCI cấp vùng; tổ chức hội nghị công bố quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 và kết hợp xúc tiến đầu tư vào tỉnh… Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng – DN với 29 hội nghị đối thoại, kết nối, với số tiền cam kết hỗ trợ là 26.469 tỷ đồng cho 672 DN.

Đặc biệt, đối với một số chỉ số giảm điểm như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh không bình đẳng… UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 18/11/2015 về đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn nhằm khắc phục những hạn chế, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, tăng cường minh bạch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

Thái Nguyên cũng đã ban hành quy chế quản lý hoạt động và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tổ chức phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư vào tỉnh; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN trong thời hạn 03 ngày làm việc; rút ngắn từ 40-50% thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất không quá 14 ngày (trước đây là 30 ngày).

Đây là lần thứ hai liên tiếp Thái Nguyên đứng trong TOP 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất.

Lấy PCI làm “thước đo”

Theo ông Hoàng Thái Cương, GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay, khi DN trong và ngoài nước tìm đến PCI như là công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh, lãnh đạo các địa phương sử dụng PCI làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế, chỉ số PCI có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Chính vì vậy, Thái Nguyên sẽ tiếp tục khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh, đặc biệt là các chỉ số thành phần giảm điểm như chỉ số về thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN, chi phí không chính thức.

Để thực hiện mục tiêu đưa Thái Nguyên là một trong những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước (tốp 5) trong tương lai gần, bên cạnh phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Thái Nguyên đã, đang và sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, các Sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt và xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng tập thể, cá nhân; trong đó, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ hai, thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải đáp ứng được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiêm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thứ ba, khẩn trương tiến hành chỉnh sửa, bổ sung các quy định, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư trong hoạt động một cửa liên thông của tỉnh để phù hợp với các quy định mới của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các sở, ban, ngành của tỉnh trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý có trách nhiệm chủ động phối hợp, nghiên cứu, rà soát, đồng thời dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các quy trình, quy định ở cơ quan, đơn vị để không gây cản trở, khó khăn đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đặc biệt trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban, ngành ở tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương, các DN và doanh nhân trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Thái Nguyên cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh thực hiện mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại là trung tâm của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục – đào tạo”– ông Hoàng Thái Cương khẳng định.

Thu Trang

Enternews