The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thái Bình: Thu hút đầu tư để phát triển bền vững

Năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình tiếp tục tăng điểm với số điểm 65,38, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 7,74 điểm và 10 bậc so với năm 2015. Kết quả đó chứng minh cho nỗ lực của tỉnh trong việc tích cực thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển bền vững.
Là tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chiếm 90% trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng; có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ với đường bờ biển dài trên 50km, bãi triều rộng 250km2, diện tích đất nông nghiệp trên 90.000ha rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng cao... nên thời gian qua, Thái Bình luôn duy trì và phát huy tốt những lợi thế đó để thu hút ngày càng nhiều hơn các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành và quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 5/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020; đề án cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và những năm tiếp theo; quy định về trách nhiệm giải trình của bộ máy chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh với 100% số thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp và người dân; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thực hiện việc luân chuyển và thụ lý hồ sơ qua mạng, xây dựng quy trình giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo danh mục quy định của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thực hiện giao dịch.
Nhằm tạo thêm một bước đột phá trong công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Đây được coi là công cụ hữu hiệu để UBND tỉnh đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các sở, ngành, huyện, thành phố từ đó chỉ đạo kịp thời, hiệu quả việc thực hiện, xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã tổ chức 9 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ; tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2017..., qua đó đã góp phần quảng bá tiềm năng, lợi thế cũng như những định hướng phát triển của tỉnh, giúp các nhà đầu tư hiểu biết rõ hơn và tích cực đầu tư vào tỉnh.
Với định hướng phát triển của tỉnh là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xây dựng khu vực ven biển trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, trên cơ sở đó khai thác những tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất ven biển, phát huy lợi thế của tuyến đường bộ ven biển, kết nối với các vùng miền, thời gian qua Thái Bình luôn quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ và đô thị trong Khu kinh tế Thái Bình. Với tổng diện tích 30.583ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và một phần tiếp giáp ven biển, Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 10/2019 đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh đã ban hành quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ 2020 - 2030 với 6 nội dung hỗ trợ cụ thể, đó là ưu đãi về đất đai, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ thủ tục hành chính. Đến nay đã có 29 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và tài trợ sản phẩm quy hoạch một số phân khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình; trong đó phải kể đến những nhà đầu tư lớn nổi tiếng có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính mạnh như: Tổng công ty IDICO, Công ty Cổ phần Tập đoàn Geleximco, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát... Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp Thaco - Thái Bình nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp không chỉ của Thái Bình mà cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làn sóng đầu tư vào tỉnh có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và vốn đầu tư đăng ký. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 86 dự án đầu tư mới thì đến năm 2019 đã có 130 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đạt 16.762 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.040 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 129.000 tỷ đồng, gấp 1,45 lần về số lượng dự án và 1,89 lần về số vốn so với năm 2015; trong đó có 89 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 774 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.