The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sóc Trăng tăng tốc cuộc đua PCI

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2014 – 2015 với mục tiêu: cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, chất lượng điều hành và quản lý kinh tế.
Tiêu chí mà Sóc Trăng đặt ra trong chiến lược nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 là xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh; tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Sóc Trăng phấn đấu cải thiện đáng kể các chỉ số thành phần, nâng cao vị trí xếp hạng PCI của tỉnh năm 2014; đến năm 2015, điểm số PCI của tỉnh cao hơn mức bình quân vùng đồng bằng sông Cửu Long và duy trì trong nhóm 20 tỉnh, thành phố cả nước có chỉ số PCI tốt nhất.
Để đạt mục tiêu nêu trên, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp:
1. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính (đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng). Công khai các thủ tục, thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, các chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Thống nhất chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, các cấp, ngành, chính quyền địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ, chuyển từ tư duy “quản lý, giải quyết” bằng “phục vụ, đáp ứng” để chính quyền thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực. Nâng cao chất lượng của các cổng thông tin điện tử tỉnh và các sở, ban, ngành. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Đăng tải đầy đủ các thông tin hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
2. Chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
3. Trên cơ sở quy định hiện hành, có biện pháp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nghiêm túc chấn chỉnh những cán bộ công chức, viên chức có thái độ cửa quyền, nhằm tránh phát sinh những chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chịu; thẳng thắn nhìn nhận được những hạn chế để từng bước có biện pháp khắc phục.
4. Nâng cao tính năng động và tiên phong của cán bộ lãnh đạo; tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời, chủ động giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo các cấp. Xây dựng kế hoạch thanh tra doanh nghiệp bảo đảm đúng quy định pháp luật, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm; hạn chế việc thanh, kiểm tra nhiều lần, bảo đảm nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
5. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên các dự án giao thông quan trọng; tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, sử dụng cơ chế tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng hạ tầng.
6. Tiếp tục hoàn thiện việc lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết vấn đề mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh. Khai thác tốt Khu công nghiệp An Nghiệp, sớm triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề.
7. Đổi mới phương thức, nội dung đào tạo nghề, tăng cường phối hợp với các viện, trường để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phân tích nhu cầu thị trường, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
8. Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các thiết chế pháp lý ở địa phương nhằm tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, các tổ chức đại diện doanh nghiệp (hội, hiệp hội) đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến doanh nghiệp.
9. Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: Triển khai các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
10. Các sở, ngành, ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Kết luận số 11-KL/TU ngày 23/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư đến năm 2015; Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 13/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2012 – 2016, nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Như Tầm