The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Năng lực cạnh tranh: Chờ doanh nghiệp cho điểm

Chính quyền Quảng Nam đã thực thi, áp dụng vào thực tế các quyết định từ Trung ương để “giành lấy” niềm tin doanh nghiệp, xác lập môi trường đầu tư tốt. Nhưng một câu hỏi cũng đã được đặt ra là có thực sự cần thiết trong việc chạy đua về số điểm và vị thứ để minh chứng cho năng lực điều hành kinh tế của địa phương?

Sự tăng trưởng của doanh nghiệp, thu ngân sách gia tăng là chỉ dấu thể hiện năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Trong ảnh: Công ty CP Ô tô Trường Hải mở rộng đầu tư và tăng nộp ngân sách. Ảnh: T.D
Sự tăng trưởng của doanh nghiệp, thu ngân sách gia tăng là chỉ dấu thể hiện năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Trong ảnh: Công ty CP Ô tô Trường Hải mở rộng đầu tư và tăng nộp ngân sách. Ảnh: T.D
Hiệu lực cải cách
Hai năm liên tiếp (2020 & 2021) Quảng Nam rớt hạng PCI sau 5 năm liền nằm trong nhóm tốt, top 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất nước (2015 – 2019), đã buộc chính quyền phải thay đổi kế hoạch cải cách.
Không đặt mục tiêu phải “đứng trên đỉnh cao”, địa phương chỉ phấn đấu PCI 2022 nằm trong top 15 trên bảng xếp hạng, thông qua việc duy trì các chỉ số thành phần tốt, hướng đến cải thiện mạnh mẽ 5 chỉ số thành phần bị giảm điểm năm 2021 (tính năng động, tính minh bạch, gia nhập thị trường, đào tạo lao động và chi phí thời gian).

Kế hoạch cải thiện PCI năm 2022 thể hiện quyết tâm, tạo ra sự khác biệt và chất lượng, với sự phân công cụ thể, từ cơ quan quản lý đến chính quyền địa phương trong việc nhận diện các khoảng trống cải cách.

Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý buộc phải đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số PCI, thông qua việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Các sở, ngành, địa phương buộc phải có bộ phận đầu mối theo dõi, giám sát thực hiện kế hoạch, bảo đảm đạt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần PCI do đơn vị mình phụ trách. Đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp trên thực tế bằng sự minh bạch, cam kết thời gian thực thi.

Nỗ lực cải cách này đã ít nhiều có hiệu lực thực tế. Kết quả dễ dàng thấy được là 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) từ ngân sách, quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội... đã được công khai trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh, đơn vị, địa phương, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp biết và tra cứu.

Việc kết nối trao đổi dữ liệu thông tin giữa Sở KH-ĐT với Cục Thuế đã góp phần rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 5 xuống 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Việc nhận và xử lý hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp cũng được gửi, nhận từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tất cả hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính đều được trả kết quả trước và đúng thời hạn, đảm bảo không có hồ sơ nào thực hiện quá hạn (194 thủ tục hành chính trả ngay trong ngày và 554 thủ tục hành chính được cắt giảm trên 10% thời gian giải quyết).

Chờ thực tế trả lời

Không chỉ xóa bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp bằng cách thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hay giảm thiểu chi phí thời gian, có thể nói “hạ tầng kỹ thuật” cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế địa phương gần như đã được mở rộng biên độ.

Từ quy chế liên thông giải quyết đầu tư, tiếp doanh nghiệp, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư, tăng cường số lượng thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ cao, văn bản liên thông 4 cấp (từ trung ương đến xã) đều thông suốt.

Egov – Quảng Nam, Smart Quảng Nam, tổng đài 1022, chuyên mục “Đăng ký tiếp doanh nghiệp” trên Zalo QuangNam Investor Care hay ứng dụng phản ánh hiện trường đã được thiết lập, kết nối chính quyền, cơ quan quản lý khi sẵn sàng tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp...

Theo lý giải của chính quyền và các cơ quan quản lý, các hệ thống không phải mở ra một cách hình thức, lấy điểm doanh nghiệp. Cái đích cuối cùng là thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài từ doanh nghiệp và các dự án đã thành hiện thực. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2022 đã đạt mức 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Tổng thu ngân sách đã đạt đến 135,6% (32.144/23.700 tỷ đồng kế hoạch). Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 11% (1.181 doanh nghiệp) với số vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng (tăng 13,05%).

Lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cũng tăng gần 21% (552 doanh nghiệp). Có thêm 5 dự án FDI và 59 dự án nội địa được cấp phép khi nền kinh tế vẫn chưa thoát được sự ảm đạm của thị trường...

Những thay đổi, điều chỉnh bổ sung các thủ tục về đầu tư, tiết giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, mở lớp bồi dưỡng về PCI, DDCI hay truyền thông năng lực cạnh tranh để “vá khoảng trống”, cải thiện môi trường đầu tư và con số dự án đầu tư, sự vận hành của nền kinh tế có đủ để nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp?

Việc nâng hạng hay đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành để tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn nhà đầu tư là một trong những nội dung được chính quyền địa phương chọn để xây dựng hình ảnh và thương hiệu Quảng Nam. Song, không phải bằng mọi giá để đạt điểm số và thứ hạng.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói việc đầu tư thuận lợi, hanh thông của các nhà đầu tư hiện tại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của Quảng Nam và có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự quan tâm của các nhà đầu tư mới.

Điểm số hay thứ hạng PCI là một trong những điểm để tham khảo, chưa thể quyết định sự thành công hay thất bại của năng lực điều hành kinh tế địa phương. Tăng trưởng trên 2 con số, đóng góp ngân sách trung ương đứng thứ 11/63 tỉnh, thành thì không thể nói năng lực điều hành kinh tế không tốt được.

Trong cuộc họp với Sở KH&ĐT trước kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng không cần chạy đua về điểm số, thứ hạng với các tỉnh, thành khác, không thể làm vừa lòng tất thảy doanh nghiệp mà sự vận hành của nền kinh tế luôn phát triển, đời sống người dân tăng cao, ổn định xã hội, chính trị... mới là điều quan trọng.

Theo Báo Quảng Nam