The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Lấy điểm số cải cách hành chính để đánh giá thi đua người đứng đầu

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh đề nghị, trước ngày 15/11 hàng năm phải có kết quả chấm điểm cải cách hành chính để làm cơ sở đánh giá thi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Chiều nay 15.12, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh tổ chức phiên họp thứ 3 nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ CCHC, CĐS năm 2022 và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng chủ trì cuộc họp.
 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: PV
Nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành
Theo đánh của ban chỉ đạo, năm 2022, Quảng Nam đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động CCHC, CĐS trên phạm vi toàn tỉnh, tuy nhiên, một số nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác ban chỉ đạo không được một số sở, ngành tập trung tham mưu triển khai thực hiện.
Đó là nhiệm vụ triển khai thực hiện việc hợp nhất Cổng dịch vụ công tỉnh với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; xây dựng kho dữ liệu hồ sơ giải quyết TTHC (kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức) và các công cụ, ứng dụng phục vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Chỉ tiêu trên 80% chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 97% trở lên; giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn lĩnh vực đất đai xuống dưới 5%; xây dựng cẩm nang hỏi - đáp thủ tục về đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất...
Ngoài ra, tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn tại một số địa phương còn cao như huyện Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn, TP.Tam Kỳ. Các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành còn nhỏ lẻ, phân tán chưa hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh. Nhân lực về công nghệ thông tin, CĐS còn thiếu và yếu…
 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PV
Ban chỉ đạo CCHC, CĐS cho rằng, các tồn tại, hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cụ thể, một số chỉ tiêu Quảng Nam đạt thấp như chỉ số về công khai minh bạch (2,8/18 điểm), dịch vụ công trực tuyến (3,8/12 điểm), thanh toán trực tuyến (2,6/10 điểm), số hóa hồ sơ (5,1/22 điểm)…
Cần thực hiện có trọng tâm trọng điểm
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc CCHC, CĐS của tỉnh đã phát biểu ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện công tác CCHC, CĐS đạt hiệu quả trong năm 2023.
Ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Sở Nội vụ (cơ quan thường trực của ban chỉ đạo) khi báo cáo CCHC, CĐS cần nêu rõ đích danh cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tốt, nơi nào chậm, chậm bao nhiêu ngày, chứ không báo cáo chung chung. Không rõ địa chỉ thì làm sao khắc phục được hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiến nghị ban chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chấm điểm CCHC và phải đưa kết quả CCHC vào xếp loại thi đua. Năm 2023, cần quyết tâm thực hiện chủ trương thực hiện bưu chính công ích; 100% các thôn phải có cáp quang, wifi miễn phí, 3G, 4G để người dân thụ hưởng; quyết liệt xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thực hiện số hóa dữ liệu.
Từ quý I năm 2023, công tác báo cáo tại các phiên họp của ban chỉ đạo phải thể hiện bằng con số, biểu đồ điện tử, không báo cáo giấy...
 Công tác chuyển đổi số được quan tâm, triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh: PV
Cho ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị thực hiện CCHC và CĐS phải thực chất, không nên chạy theo thành tích. Trong khi CCHC có sự chuyển biến thì công tác CĐS chưa đáp ứng yêu cầu và còn lúng túng. Do đó, năm 2023 phải đi thẳng từng vấn đề mấu chốt, tập trung tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc. Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC, CĐS từng năm phải có trọng tâm trọng điểm...
Sau khi nghe ý kiến các thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc, phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng công tác CCHC, CĐS còn nhiều hạn chế là do người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của CCHC và CĐS, dẫn đến triển khai nhiều hoạt động hiệu quả chưa cao. Thời gian đến cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Công tác CCHC phải thực chất, tránh chạy theo thành tích. Ảnh: PV
Đồng chí Phan Việt Cường đề nghị, trong năm 2023, công tác CCHC cần tập trung vào cải cách thể chế, quản trị hành chính, phân cấp phân quyền; thực hiện nghiêm túc chấm điểm CCHC; tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ... Trước ngày 15/11 hàng năm phải có kết quả chấm điểm CCHC. Ban chỉ đạo CCHC, CĐS đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy lấy điểm số CCHC, CĐS của cơ quan, đơn vị để đánh giá thi đua người đứng đầu...