The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI: Tự soi mình để cải cách

Mổ xẻ, phân tích, thực thi bằng những kế hoạch hành động cụ thể để tìm ra con đường ngắn nhất cải thiện môi trường đầu tư, nâng chất PCI, chủ động cải thiện nền hành chính công vụ, cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, tạo sự hài lòng doanh nghiệp,… là những vấn đề được đề cập tại hội nghị trực tuyến Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI diễn ra hôm qua 15.12, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì.
Phân tích điểm mạnh, yếu
Liên tiếp 5 năm (2015 - 2019), Quảng Nam luôn thuộc nhóm tốt, tốp 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao nhất nước được xác nhận là nỗ lực bền bỉ của chính quyền địa phương trong các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư.
Theo một phân tích, 5 điểm tích cực về năng lực điều hành kinh tế, phải kể đến là tính năng động của chính quyền đã được doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, có đến 98% số kiến nghị của doanh nghiệp đã được trả lời; qua khảo sát, có 89% doanh nghiệp hài lòng với các phản hồi và cách giải quyết và 89% doanh nghiệp công nhận chính quyền đã linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân; ngoài ra có 76% số doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Cộng đồng doanh nghiệp cho điểm về việc minh bạch thông tin ngày càng cải thiện khi 89% số doanh nghiệp đã truy cập website của tỉnh (năm 2019); có 57% số doanh nghiệp ghi nhận Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ngày càng có vai trò trong việc tham mưu xây dựng chính sách, quy định của Quảng Nam; 56% doanh nghiệp cho biết thông tin mời thầu được công khai và hơn 70% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận thông tin, văn bản từ các cơ quan không còn là chuyện khó.
Chi phí không chính thức, chi phí thời gian có xu hướng giảm khi có đến 95% doanh nghiệp đồng ý các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, 80% doanh nghiệp hài lòng với việc thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng bình đẳng, thể hiện chỉ có 37% doanh nghiệp “than phiền” tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư FDI và 78% xác nhận doanh nghiệp tư nhân ngày càng được đối xử bình đẳng so với doanh nghiệp FDI.
Song, những điểm sáng ấy cũng không thể khỏa lấp được những điểm nghẽn của PCI. Theo nhận định của cộng đồng doanh nghiệp, cơ chế, chính sách của tỉnh vẫn còn chưa đồng bộ. Điểm yếu thấy rõ là các quy định còn chung chung, thiếu thống nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến nhà đầu tư chưa hoàn chỉnh, hướng dẫn không rõ ràng, gây lúng túng cách hiểu và chồng chéo giữa các ngành.
Thủ tục hành chính chưa được cải cách triệt để, còn không ít trường hợp doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục hành chính. Quy hoạch vùng, ngành chất lượng chưa cao. Tiếp cận đất đai vẫn là rào cản để thực hiện đầu tư. Cơ sở hạ tầng chưa tướng xứng, năng suất lao động thấp. Các cơ quan, ngành thiếu sự phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, chậm trễ hoặc kéo dài trong việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa linh hoạt, quyết liệt khi có đến 76% doanh nghiệp cho rằng sáng kiến hay, chủ trương đúng của tỉnh vẫn chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành, địa phương…
Tự soi mình
Tại hội nghị, chính quyền, cơ quan quản lý cũng thừa nhận, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI là hành trình dài hơi, không có kết thúc. Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay, cắt giảm thủ tục hành chính phải hướng đến việc không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức, thực hiện “4 tại chỗ” trong tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả hồ sơ, hạn chế doanh nghiệp đi lại nhiều lần, triển khai Chính phủ điện tử bằng việc kết nối liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 & 4, hướng đến cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, quán triệt cấp dưới, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Công khai, minh bạch về quy hoạch. Cải thiện hạ tầng đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn về tiếp cận đất đai thông qua việc tạo quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại. Xác định nhân lực theo nhu cầu phát triển…
Theo nhận định của các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Nam lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh công bằng và đề ra các chính sách thu hút phù hợp. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cho rằng, chính sách được cho là thành công nhất lại là những quyết định cắt bớt thủ tục, quy định gây phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp, chứ không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng cần công khai minh bạch trong xúc tiến đầu tư. Chỉ “một cửa” giải quyết, không để doanh nghiệp đi lòng vòng bởi sự thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, chính việc thiếu quy hoạch đã dẫn đến địa phương không thể kêu gọi hay triển khai được các dự án đầu tư. Nếu quy hoạch không được tiến hành thì dù có nỗ lực đến mấy địa phương vẫn sẽ phải giậm chân tại chỗ trong kêu gọi thu hút đầu tư.
Đối với địa bàn miền núi, ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đề xuất, cần cơ chế, chính sách riêng biệt cho miền núi thì mới đủ hấp dẫn các nhà đầu tư đến với các vùng đất này triển khai dự án.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không dễ gì một tỉnh đi lên từ khó khăn như Quảng Nam đã lọt vào tốp những tỉnh, thành phố phát triển của khu vực miền Trung và là tỉnh khá của cả nước. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, không thỏa mãn với điểm số, thứ hạng khi còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Dư địa cải cách còn rất lớn trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án, sản xuất, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Điều quan trọng, từ người đứng đầu đến những người thực thi công vụ phải tự nhận mình đã làm được gì và chưa được gì, chủ động đề ra hướng giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn trên tinh thần phục vụ tối đa cho doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững của Quảng Nam.