The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam cải thiện chỉ số PCI : Chủ động tìm nhà đầu tư

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đã chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ khi Quảng Nam xếp vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng và đặc biệt đây là lần đầu tiên Quảng Nam lọt vào top 10 của bảng xếp hạng PCI sau 11 năm công bố.

Ông Đinh Văn Thu chia sẻ, đối với tỉnh Quảng Nam, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI không nhằm hướng vào cuộc tranh đua thứ hạng với các tỉnh khác mà đây chính là quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN trên địa bàn. Và chúng tôi nhìn vào kết quả PCI như một cách nhìn nhận lại bản thân để nỗ lực vượt lên chính mình trong thời gian tới.

Những năm tới Quảng Nam sẽ làm gì để duy trì và cải thiện vị trí , thưa ông?

Tỉnh Quảng Nam xác định, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những việc đã làm tốt trong thời gian qua như “Một cửa liên thông”, “Tiếp Doanh nghiệp định kỳ”, “Cổng thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp”, tỉnh cũng sẽ chú trọng đưa vào triển khai các hình thức đối thoại doanh nghiệp mới như chương trình “Cà phê doanh nhân”, đối thoại doanh nghiệp theo nhóm ngành, lĩnh vực và nhóm nhà đầu tư để tạo kênh thông tin đối thoại thân thiện giữa Chính quyền và Doanh nghiệp, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đến gần nhau hơn.

UBND tỉnh đang nghiên cứu xây dựng “Quy chế giám sát giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp” để góp phần minh bạch hóa đầu tư, giúp giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chúng tôi quyết tâm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa MTĐT kinh doanh Quảng Nam, đẩy mạnh việc thực hiện 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đề ra là cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồng thời thay đổi tư duy, thói quen và thái độ làm việc của cán bộ công chức, viên chức từ việc xem doanh nghiệp là ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ sang ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ.

Quảng Nam đã chọn năm 2016 là “Năm cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”

Đặc biệt, Quảng Nam đã chọn năm 2016 là “Năm cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư” nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành, tập trung triển khai thực hiện giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí bằng việc xây dựng Cơ chế “một cửa liên thông hiện đại” để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp.

– Năm 2015 đánh dấu 2 sự kiện quan trọng là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ông có tin tưởng vào nội lực của doanh nghiệp Quảng Nam trước những cơ hội lẫn khó khăn, thách thức mà hội nhập đặt ra?

Tôi cũng cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để doanh nghiệp học cách lớn mạnh và tồn tại, và quan trọng nhất là cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho điều đó.

Việc gia nhập TPP và AEC được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế quan, mở rộng cơ hội giao thương, thu hút vốn FDI, liên kết, hợp tác để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi do TPP và AEC mang lại thì vẫn kèm theo không ít khó khăn thách thức khi doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia sân chơi này.

Qua nhiều cuộc trò chuyện và tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp FDI, vốn nhà nước và tư nhân trên địa bàn thì tôi tin vào nội lực của nhiều doanh nghiệp Quảng Nam. Mặt khác, Chính phủ khi quyết định tham gia vào một FTA nào thì đều có nghiên cứu và xem xét lợi ích tổng thể và có sự phân tích rất chi tiết từng ngành: dệt may lợi chỗ nào, da giày có thiệt hại gì không… và cân nhắc giữa được – mất và sẽ chọn lựa những FTA tốt nhất có thể. Do đó, tôi tin tưởng cơ hội sẽ nhiều hơn, và tôi nghĩ được hay mất nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp, càng chu đáo càng được nhiều hơn mất.

– Theo ông, trong chặng đường thu hút đầu tư sắp tới, đâu là thách thức lớn nhất cho Quảng Nam?

Chúng tôi có lợi thế nguồn lao động, tuy nhiên lực lượng lao động hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt được nhu cầu của các doanh nghiệp, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ. Cùng với đó, vấn đề bố trí mặt bằng sạch cho nhà đầu tư cũng là một thách thức đối với Quảng Nam dù toàn tỉnh hiện có 9 KCN và 86 CCN đóng vai trò đầu tàu và là đòn bẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Do đó, với mục tiêu “nâng chất” môi trường đầu tư nhằm chủ động đón dòng chảy đầu tư trong tiến trình hội nhập, Quảng Nam sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của người sử dụng lao động và nhu cầu của thị trường; đồng thời đẩy nhanh khớp nối các hệ thống hạ tầng giao thông tạo ra những vùng động lực thúc đẩy phát triển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp nhận giải quyết thủ tục đầu tư. Hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để nhà đầu tư tái đầu tư trên địa bàn tỉnh và giới thiệu các nhà đầu tư mới vào Quảng Nam, từ đó tạo tiền đề vững chắc để xây dựng tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Tôi xin nhấn mạnh là ở Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ các nhà đầu tư đến mà chúng tôi chủ động tìm nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc hỗ trợ DN luôn là điều chúng tôi chú trọng và quan tâm, luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thành công tại tỉnh Quảng Nam.

– Xin cảm ơn ông!

Hương Thu thực hiện

Enternews