The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân

Cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ. Ảnh: VÕ PHÊ

Triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh, Sở TT-TT tỉnh Phú Yên cùng các ngành, địa phương đã chú trọng xây dựng chính quyền điện tử tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần xây dựng thành công Chính quyền điện tử của tỉnh, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ công nghệ số.

Ứng dụng rộng rãi

Theo thống kê của Sở TT-TT tỉnh Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng 2 hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản của tỉnh và Trục liên thông văn bản quốc gia.

Các hệ thống này đã tích hợp chữ ký số (eToken, SIM KPI), cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ thuật theo quy định của Bộ TT-TT. 100% sở, ngành và địa phương của tỉnh triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc; 100% công chức, viên chức sử dụng hệ thống để giải quyết, xử lý công việc.

Năm 2019, tổng số văn bản gửi, nhận là trên 446.000 văn bản và trong tháng 1/2020 là 43.980 văn bản. Trang Thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương hoạt động ổn định, cung cấp, công khai thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo và nhu cầu được tiếp cận thông tin, hồ sơ của doanh nghiệp, người dân. Hiện tất cả cán bộ phụ trách tại bộ phận một cửa của tỉnh, các ngành, địa phương đều đảm bảo trình độ chuyên môn theo yêu cầu.

Bà Đỗ Thị Hồng Hải, cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính của Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh, cho hay: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi và các đồng nghiệp được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đạo đức công vụ, kỹ năng ứng dụng dùng chung như Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh (Cổng DVC), hệ thống thư điện tử công vụ, sử dụng chữ ký số chuyên dùng. Nhờ đó, chúng tôi thành thạo hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết: Thời gian qua, việc triển khai chính quyền điện tử của tỉnh có bước phát triển; nhận thức và quyết tâm hành động, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát và quản lý 6.888 hộp thư công vụ điện tử cho các đơn vị, cá nhân để sử dụng vào việc trao đổi công việc của cơ quan nhà nước, trong đó cấp tỉnh 2.508, cấp huyện 1.528 và cấp xã 2.852 hộp thư. Hệ thống thư điện tử đã được cấp chứng thư số để hoạt động, đảm bảo an toàn thông tin. Tỉnh đang khảo sát việc tổ chức các hội nghị cấp tỉnh trực tuyến với các địa phương để xây dựng đề án Triển khai hệ thống truyền hình đến cấp xã.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thành công Cổng DVC, đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ mức độ 3, 4 và trả kết quả trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Cổng DVC đã tích hợp dịch vụ công trực tuyến của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung; tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành Bưu điện; kết nối, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Năm 2019 có 2.070 thủ tục hành chính được cập nhật trên Cổng DVC, 192.577 hồ sơ được tiếp nhận trên cổng.

Tiếp tục hoàn thiện

Đã nhiều lần giải quyết các thủ tục hành chính tại các hệ thống một cửa của các sở, ngành tỉnh, bà Lê Thị Minh Đăng ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, chia sẻ: So với trước đây, bây giờ việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước cho người dân được thuận lợi hơn rất nhiều. Thay vì đến cơ quan nọ, đơn vị kia, chúng tôi chỉ cần đến hệ thống tiếp nhận văn bản của Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh là có thể thực hiện tất cả các công đoạn, trong thời gian ngắn. Cán bộ, công chức làm việc với thái độ niềm nở, vui vẻ, tận tình hướng dẫn người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử là nhiệm vụ được tỉnh cũng như các sở, ban ngành, địa phương triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Tuy còn nhiều khó khăn, song công tác này cần tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương, từ khi vận hành hệ thống chính quyền điện tử, sở đã chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công nhân viên chức của đơn vị với mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, các thủ tục, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực do ngành phụ trách đều được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, trong đó có các thủ tục về sản xuất, kinh doanh, đăng ký thông tin khuyến mãi.

Ông Lê Tỷ Khánh cho biết thêm: Theo kế hoạch, Phú Yên sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo thực thi xây dựng chính quyền điện tử; khen thưởng kịp thời và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp không tích cực phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân; tăng cường vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính.

Đồng thời, tỉnh cũng có chính sách đãi ngộ cán bộ làm chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin. Tiếp tục xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử 2.0, đề án Chuyển đổi số và thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành, hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu và hoàn thiện các hệ thống dùng chung của tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trục liên thông văn bản tỉnh, cổng DVC... theo quy định hiện hành nhằm đẩy mạnh hoạt động của chính phủ điện tử tỉnh, góp phần tạo tiện ích, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Báo Phú Yên