The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển

CÒN BẤT CẬP

Phú Yên hiện có khoảng 2.200 doanh nghiệp hoạt động, cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh đa dạng, phong phú. Năm 2015, các doanh nghiệp đóng góp 49,6% GRDP, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp hơn 9.770 tỉ đồng, chiếm 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước 485 tỉ đồng, chiếm 17% tổng thu ngân sách; kim ngạch xuất khẩu đạt 96,5 triệu USD, giải quyết việc làm hàng năm cho hơn 23.500 lao động. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp cũng đã tích cực tham gia vào hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ cơ chế thông thoáng của tỉnh, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh, việc phát triển doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều hạn chế, tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, chưa thu hút được doanh nghiệp có thương hiệu mạnh vào đầu tư. So với các tỉnh trong khu vực, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh không cao, cơ cấu ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp… Do những nguyên nhân khác nhau, năm 2015 toàn tỉnh đã có ít nhất 108 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, 41 doanh nghiệp đăng ký giải thể. Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Do cơ chế vẫn còn bất cập; nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nghiệp chưa đầy đủ. Thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp chưa thông thoáng, còn rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài, chưa được rút ngắn. Lề lối, phong cách làm việc, văn hóa ứng xử với doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở một số sở, ngành, địa phương còn gây phiền hà, sách nhiễu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các cơ chế, chính sách, vốn tín dụng còn hạn chế, gây khó khăn cho phát triển doanh nghiệp. Hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Sự hợp tác, phối hợp và chia sẻ thông tin trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ và thiếu chuyên nghiệp…

THỦ TỤC, HƯỚNG DẪN PHẢI GIẢI QUYẾT NHANH

Khắc phục những vướng mắc, tồn tại trên, Phú Yên quyết định chọn là Năm doanh nghiệp, với mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, lành mạnh, đảm bảo mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, được quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực theo quy định của pháp luật… nhằm tạo bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp, phấn đấu mỗi năm thành lập mới khoảng 500 doanh nghiệp, đến năm 2020 có từ 3.500-4.000 doanh nghiệp hoạt động. “Phải tạo cho được môi trường thân thiện nhất trong thu hút đầu tư, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Làm được điều đó, ngoài tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng, mỗi ngành, đơn vị, cá nhân phải làm việc tận tụy nhất, đồng hành đúng nghĩa cùng doanh nghiệp; các thủ tục, hướng dẫn phải được giải quyết nhanh gọn ngay từ lần đầu. Nếu để sang lần thứ hai thì cách sắp xếp, tổ chức của các sở, ngành, địa phương chưa hợp lý; năng lực, trình độ cán bộ, công chức còn yếu kém hoặc sách nhiễu. Nhất quyết không để xảy ra tình trạng này”, đồng chí Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng: Các sở, ban ngành của tỉnh cần tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Theo quy định, thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính từ 15-20 ngày, nhưng có thể rút ngắn còn 3-5 ngày. Ngoài ra, các sở, ban ngành cần công khai, minh bạch hơn về ngày nhận, trả hồ sơ của doanh nghiệp để họ biết và cùng giám sát hoạt động của sở, ban ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể hóa chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Năm doanh nghiệp 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà cho biết, trước mắt phải tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất ổn định, nhất là sớm triển khai đầu tư các dự án lớn như dự án Đầu tư xây dựng Khu hậu cần phục vụ Nhà máy lọc, hóa dầu Vũng Rô; Khu du lịch Liên hợp cao cấp New City Việt Nam; Dự án Nhà máy điện sinh khối Phú Yên và đưa vào hoạt động ổn định Nhà máy đường công suất 10.000 tấn mía/ngày của Công ty TNHH KCP Việt Nam; dựán Nuôi bòsữa vàbòthịt của Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên; dự án Hợp tác phát triển trồng ngô của Tập đoàn Invivo NSA Vietnam; dựán Thu mua, chế biến cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hokugan Nhật Bản...

Thu hút đầu tư toàn xã hội, đột phá phát triển doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà vừa chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với chủ đề “Năm doanh nghiệp Phú Yên - 2016”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền, mặt trận, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, đều khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó tập trung triển khai phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 04/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với chủ đề “Năm doanh nghiệp Phú Yên - 2016”, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo động lực, môi trường, điều kiện để thu hút đầu tư toàn xã hội, tạo bước đột phá về phát triển doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, cạnh tranh cao, tầm hoạt động hội nhập sâu rộng. Cùng với đó, xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chú trọng lựa chọn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn, dự án quan trọng như: dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp, Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa… tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trong năm 2016 thành lập mới khoảng 500 doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện “ba giảm” (giảm thủ tục, thời gian, chi phí); công khai minh bạch quy trình giải quyết từng thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên trang thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PI). Tiếp tục chú trọng phong trào thi đua “Phú Yên chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, chú trọng nhân rộng những cách làm hay thành phong trào thi đua để phát động tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về đích, sớm đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Đồng thời đẩy mạnh thi đua xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, thi đua nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức.

PHƯƠNG NAM

Theo Báo Phú Yên