The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phan Thiết đề ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh trên địa bàn thành phố

Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận đạt 65,33 điểm, đứng thứ 31 trên bảng xếp hạng của cả nước và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế “Khá”. Trong 10 tiêu chí Chỉ số PCI, Bình Thuận có 06 tiêu chí tăng điểm. Điều đó cho thấy, môi trường kinh doanh của tỉnh trong năm 2019 đã có những chuyển biến tích cực, khả quan. Các cấp chính quyền đã cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhà.Song song với đó, vẫn còn một số tồn tại hạn chế thể hiện ở việc còn có 03 tiêu chí vừa giảm điểm, vừa giảm bậc. Điều này cho thấy cần phải tiếp tục nỗ lực khắc phục, cải thiện một cách quyết liệt trong thời gian tới nhằm phấn đấu tăng điểm, tăng bậc đưa Bình Thuận nằm trong top 20 của cả nước.
Để cùng các cấp chính quyền của tỉnh thực hiện các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 03 tiêu chí tăng bậc, tăng điểm của Chỉ số PCI năm 2019 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố; đồng thời, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được UBND thành phố triển khai, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu UBND thành phố triển khai, thực hiện các giải pháp đã đề ra. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đẩy nhanh triển khai các thủ tục, thi công các công trình trọng điểm như: Công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng điện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh, giảm chi phí giao dịch của doanh nghiệp. Rà soát, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2021; Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Hàng năm, cân đối ngân sách, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, hội nghị, hội thảo về kiến thức pháp luật hội nhập kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP và Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Triển khai thực hiện có hiệu quả về cơ chế một cửa liên thông, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế và thủ tục cấp giấy phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, thỏa thuận vị trí, đấu nối và các thủ tục liên quan, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định quy hoạch, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng đối với các dự án đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai xây dựng, đi vào hoạt động kinh doanh. Công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thông tin khác liên quan đến đất đai trên các phương tiện thông tin truyền thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại địa bàn thành phố; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm trong việc quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo thẩm quyền.
Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục triển khai danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn thành phố và thực hiện nghiêm túc các giải pháp nâng cao chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của thành phố Phan Thiết. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp kích thích, mở rộng xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ kết nối, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của thành phố với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia Cụm liên kết Ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố và theo dõi diễn biến thị trường, triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, chống đầu cơ, nâng giá; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhất là xuất khẩu thanh long, thủy sản… Bên cạnh đó, UBND thành phố còn chỉ đạo Đội Quản lý Thị trường số 01 tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, với việc đề ra các giải pháp và chỉ đạo quyết tâm cao như vậy của UBND thành phố, hy vọng trong năm 2020 và những năm tiếp theo việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Phan Thiết sẽ có nhiều khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, phát triển thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận.