The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI tỉnh Cà Mau : Cần những giải pháp đột phá

Trong 10 chỉ số thành phần, có 5 chỉ số cải thiện tăng, đặc biệt là chỉ số Tính minh bạch (tăng 34 hạng so với năm 2017, xếp 22/63 tỉnh, thành) và chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 19 hạng so với năm 2017, xếp 24/63 tỉnh, thành) được đánh giá có nhiều cải thiện tích cực, nổi bật trên bảng xếp hạng năm 2018 so với những năm trước đây. Chỉ số Gia nhập thị trường là chỉ số duy nhất có điểm số và xếp hạng cao nhất so với 9 chỉ số thành phần còn lại của tỉnh (xếp hạng 4/63, tăng 19 hạng so với năm 2017).
Nhiều chỉ số cần được đặc biệt quan tâm cải thiện
Tuy nhiên, còn nhiều chỉ số cần đặc biệt lưu ý và quan tâm cải thiện mạnh mẽ hơn trong năm 2019. Cụ thể như chỉ số Chi phí không chính thức, những năm liên tục gần đây, điểm số Chi phí không chính thức của tỉnh được đánh giá cao đều trên điểm số trung bình cả nước, năm 2017 xếp hạng 8/63. Tuy nhiên, năm 2018 lại có chuyển biến tụt dốc mạnh đến 29 hạng (xếp hạng từ 8/63 năm 2017 đến năm 2018 xếp hạng 37/63). Trong chỉ số thì có đến 63% doanh nghiệp (DN) đồng ý cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho DN là phổ biến; 56% DN cho rằng công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Về chỉ số Tiếp cận đất đai, kể từ năm 2011, kết quả chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh luôn bằng và cao hơn điểm số trung bình cả nước. Tuy nhiên, năm 2018 chỉ số này có chuyển biến tiêu cực, có điểm số thấp hơn trung bình cả nước (xếp hạng 52/63 tỉnh, thành). Đáng chú ý hơn chỉ có 21% cho rằng DN thực hiện TTHC đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp khó khăn; số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 30 ngày (một số tỉnh khác: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Đà Nẵng 15 ngày; Bình Định 25 ngày, Cần Thơ 25,5 ngày…).
Chỉ số Thiết chế pháp lý, liên tục trong hai năm 2017 và 2018 đều giảm điểm và tụt hạng so với cả nước, tốc độ cải thiện chậm so với điểm số trung bình cả nước. Là chỉ số có xếp hạng thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần năm 2018 (59/63 tỉnh, thành). Có 46% cho rằng tình hình an ninh trật tự tại tỉnh là tốt; tỷ lệ DN bị mất trộm tài sản năm qua là 25%.
Chỉ số Đào tạo lao động, kể từ năm 2010 đến năm 2018, điểm số chỉ số Đào tạo lao động luôn thấp hơn điểm trung bình cả nước, tuy có cải thiện tăng điểm so với năm trước nhưng khoảng cách so với điểm trung bình cả nước là khá lớn (5,28/6,34); điểm số DN từng sử dụng dịch vụ Giới thiệu việc làm tại tỉnh (41%) thấp hơn trung bình cả nước (66%), lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN (88%) thấp hơn trung bình cả nước (90%); tỷ lệ lao động qua đào tạo/số lao động chưa qua đào tạo (%) và tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động (%) đều thấp hơn trung bình cả nước.
Chỉ số Đào tạo lao động chiếm 20% trọng số trong tính điểm PCI, vì vậy nếu không quan tâm tập trung cải thiện chỉ số này trong năm 2019 thì PCI Cà Mau khó cải thiện.
Chỉ số Tính năng động, chỉ số này có cải thiện nhẹ trong những năm gần đây, khoảng cách so với điểm số trung bình cả nước có được rút ngắn. Tuy nhiên so với trung bình cả nước, điểm số này vẫn còn thấp hơn (hạng 53/63 tỉnh, thành).
Do đó, Cà Mau ngoài việc duy trì, tiếp tục cải thiện các chỉ số đã tăng điểm, cần tập trung cải thiện mạnh 5 chỉ số: Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý, Đào tạo lao động, Tính năng động (5 chỉ số này thuộc nhóm thấp điểm so với trung bình cả nước). Đặc biệt có những giải pháp mạnh và tập trung ở 3 chỉ số: Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, vì 3 chỉ số này trọng số 60% trong tính điểm PCI.
Để PCI Cà Mau vươn lên mạnh mẽ
Những giải pháp đột phá trong thời gian tới: Nâng cao chất lượng độ mở của Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thông qua công tác thường xuyên cập nhật, công khai 100% TTHC, phí và lệ phí, các tài liệu quy hoạch, kế hoạch, tài liệu pháp lý, tài liệu ngân sách theo chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần theo hướng giúp DN, nhà đầu tư dễ tiếp cận.
Tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tại các cấp các ngành, nhân rộng các mô hình hay trong tiếp cận DN để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN: Mô hình cà phê doanh nhân, mô hình này cần cải cách theo hướng không chỉ là nơi tọa đàm uống cafe giữa doanh nhân và quan chức mà trở thành môi trường làm việc thân thiện, thực sự hiệu quả giữa lãnh đạo địa phương với cộng đồng DN và hiệp hội DN, ở đó có thể giải quyết những khúc mắc của DN, có thể định hướng cho DN. Đặc biệt, cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Hỗ trợ DN vừa mới thành lập, tăng cường công tác hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến cho DN và nhà đầu tư.
Thường xuyên nghiên cứu tổ chức, điều tra, đánh giá tình hình thực tế cung cầu lao động của tỉnh, rà soát đánh giá các trường, cơ sở dạy nghề, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu thực tế lao động của tỉnh. Nâng cao chất lượng Website dịch vụ giới thiệu việc làm và công tác tuyên truyền về dịch vụ giới thiệu việc làm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phát sinh các chi phí không chính thức trong thực thi công vụ. Thiết lập đường dây nóng về chi phí không chính thức, tiếp nhận những thông tin phản ánh những hành vi đòi hỏi, vòi vĩnh, thu phí không đúng quy định… từ phản ánh của người dân và DN.
Tỉnh cần đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai thực hiện nhanh các dự án đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; sửa đổi bổ sung các chính sách khuyến khích về đất đai để thu hút DN đầu tư; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các TTHC có liên quan về đất đai. Thực hiện khảo sát, đánh giá về ý kiến phản hồi của DN để thu thập thông tin và giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN trong lĩnh vực đất đai trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu PCI.
Rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án tranh chấp trong kinh doanh thương mại đảm bảo đúng pháp luật, nhanh chóng, công bằng, tạo niềm tin cho DN. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh.
Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện công tác đối thoại với DN trên nhiều lĩnh vực DN, nhà đầu tư quan tâm. Thực hiện khảo sát, đánh giá ý kiến phản hồi của DN về mức độ hài lòng trong giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN theo lĩnh vực đối thoại, cơ quan phụ trách có liên quan trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu đánh giá của PCI. Trên cơ sở việc đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính cấp sở, ngành, cấp huyện hàng năm; tỉnh cần nâng cấp, xây dựng thành bộ chỉ số đánh giá năng lực của các sở, ngành và UBND cấp huyện để có đánh giá, xếp loại hàng năm các đơn vị này.
Cần thiết lập cơ chế tạo động lực cho cải cách PCI, đó là cơ chế thưởng – phạt công minh, phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng lãnh đạo tỉnh có sáng kiến hay, chủ trương đúng nhưng cấp sở, ngành, huyện thì thực hiện chưa tốt. Giải pháp về con người là vấn đề quan trọng nhất, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức có thực tài, tận tụy và cống hiến.
Có như vậy PCI tỉnh Cà Mau mới thực sự vươn lên mạnh mẽ.