The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Thuận cải thiện chỉ số thành phần giảm điểm trong PCI

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,44 điểm, giảm 1,45 điểm, nhưng tăng 5 bậc so với năm 2019, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo thế cạnh tranh và bức phá, năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả 128 chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện chỉ số PCI năm 2020 và đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam nêu rõ mục tiêu cơ bản nhất là phải cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần cụ thể; tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng hoặc điểm số còn thấp như: tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và các chỉ số có yếu tố quyết định đến vị trí xếp hạng.
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI.
Giải pháp xuyên suốt là tăng cường gặp gỡ, đồng hành, đối thoại rộng mở với doanh nghiệp, doanh nhân… để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; qua đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khai thông lực cản; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.
[Cải thiện chỉ số PCI: Giải pháp nào để duy trì trong top dẫn đầu?]
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh một cách thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian.
Chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử được nâng cao theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận, nắm bắt nhanh chóng các tài liệu có liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
Cụ thể như vấn đề quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển của tỉnh, dự án đầu tư công, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thông tin đấu thầu..., tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Ngoài ra, Ninh Thuận sẽ hỗ trợ, xây dựng chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ứng dụng giao dịch thương mại điện tử để ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19; đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai khảo sát và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh; qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế tạo đột phá nâng cao chỉ số PCI trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,44 điểm, giảm 1,45 điểm, nhưng tăng 5 bậc so với năm 2019, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là kết quả xếp hạng cao thứ nhì của tỉnh trong vòng 15 năm qua (năm 2012 xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố).
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ thời gian qua, mặc dù địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình, nhưng nếu so sánh 10 chỉ số thành phần năm 2020 với năm 2019 thì tỉnh có 4/10 chỉ số vừa tăng điểm số vừa tăng thứ hạng; trong đó chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có sự bứt phá thứ hạng tốt nhất (tăng 1,23 điểm và tăng 36 bậc); chỉ số gia nhập thị trường (tăng 0,93 điểm và tăng 17 bậc); chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 0,29 điểm và tăng 7 bậc) và chỉ số chi phí không chính thức (tăng 0,51 điểm và tăng 3 bậc).
Những hạn chế dẫn đến chỉ số PCI của Ninh Thuận chưa như kỳ vọng là 2 chỉ số tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều giảm điểm số và thứ hạng.
Các chỉ số thành phần PCI còn diễn biến theo xu hướng không tích cực; trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động như dịch COVID-19, thiên tai…
Một số vướng mắc lẽ ra sớm được khắc phục, tạo thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp đầu tư phát triển như: thủ tục hành chính, pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, giá cho thuê đất thực hiện dự án; tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng nhanh với lãi suất ưu đãi; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số... Chính vì lẽ đó, chỉ số PCI của tỉnh chưa nhanh chóng tạo được đột phá, ông Hoàng phân tích./.