The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Bình: Nhiều đổi mới trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Với quyết tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ số thành phần, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm đánh giá sát hơn về công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhiều đổi mới trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Cục Hải quan Hà Nam Ninh là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện Bộ chỉ số DDCI.

Thực hiện nghiêm Chủ đề công tác năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", trong năm qua các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính, nhất là các thông tin về quy hoạch của các ngành, các cấp, công khai quy trình, thủ tục đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong quá trình xử lý công việc. Chú trọng nâng cao hiệu quả đối thoại với doanh nghiệp, người dân một cách thực chất; đổi mới hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp, người dân với các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhằm tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đảm bảo thiết thực, chính xác hơn, tỉnh đã có nhiều đổi mới phương pháp đánh giá. Bộ chỉ số DDCI năm 2022 đã tập trung vào các chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và tiên phong; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu; quản trị điện tử. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Đây là nhóm các chỉ số thành phần có sự tương đồng nhất với Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Do vậy, kết quả khảo sát DDCI làm cơ sở để nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Bộ chỉ số DDCI năm nay sẽ đánh giá tại 23 đơn vị sở, ban, ngành của tỉnh và 8 huyện, thành phố. Đơn vị tư vấn sẽ thực hiện khảo sát, phân tích thông tin tại các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022. Theo kế hoạch, dự kiến thực hiện khảo sát khoảng 3.100 doanh nghiệp với kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25-30%, trong đó có 800 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương. Để đảm bảo chính xác, khách quan, mỗi doanh nghiệp chỉ đánh giá một địa phương nơi đặt trụ sở chính hoặc địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khảo sát. Đối với khối sở, ban, ngành, đơn vị tư vấn sẽ khảo sát tại 2.300 doanh nghiệp theo hình thức mỗi doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ đánh giá một sở, ban, ngành trực tiếp và một phiếu đánh giá thêm một sở, ban, ngành có liên hệ giải quyết thủ tục hành chính hoặc có hiểu biết nhất. Đơn vị tư vấn cũng điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp, hiệu quả, gồm khảo sát phỏng vấn trực tiếp (25% số phiếu phát ra) tại doanh nghiệp hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công/ Bộ phận một cửa cấp huyện, thành phố nhằm xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng; khảo sát bằng thư tín, khảo sát qua điện thoại, trực tuyến (75% tổng số phiếu phát ra), trong đó chủ yếu là khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện.

Cũng theo đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, đến thời điểm này Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ và đúng quy trình theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời phối hợp và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổng hợp toàn bộ dữ liệu, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã thực hiện thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công. Đồng thời tích cực triển khai, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Kế hoạch Bộ chỉ số DDCI đến các phòng, ban và các đơn vị trực thuộc. Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về nỗ lực cải thiện Bộ chỉ số DDCI của đơn vị trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động đánh giá DDCI Ninh Bình trong năm 2022; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình tham gia khảo sát nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi đánh giá, điền phiếu khảo sát.

Trên cơ sở kết quả công bố về thứ bậc và điểm số chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương sẽ là căn cứ để tỉnh tiếp tục rà soát những điểm nghẽn, khâu yếu gắn với xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức. Qua đó, xây dựng lộ trình với các giải pháp khắc phục cụ thể gắn với thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện. Đồng thời, đối với những chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở đã thực hiện tốt cần duy trì và nghiên cứu đổi mới nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa.

Theo Báo Ninh Bình