The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ninh Bình đẩy mạnh giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2025

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 20/6/2025, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Văn bản số 100/UBND-VP2 yêu cầu các sở, ngành và địa phương trên toàn tỉnh tập trung triển khai các giải pháp thiết thực, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI trong năm tới.
Theo công bố của Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2024 của tỉnh Ninh Bình đạt 69,0 điểm, tăng 1,17 điểm so với năm 2023, xếp thứ 17/63 toàn quốc và thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, 4 chỉ số thành phần tăng cả điểm và thứ hạng, gồm: cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, tính minh bạch và gia nhập thị trường. Kết quả này thể hiện rõ nỗ lực của chính quyền và sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Ninh Bình (ảnh:CTTDT tỉnh Ninh Bình)

Trung tâm Hành chính công tỉnh Ninh Bình (Ảnh: CTTDT tỉnh Ninh Bình).

Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” với cộng đồng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và định hướng mọi hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Trên tinh thần đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm và siết chặt kỷ cương hành chính thông qua việc chủ động nghiên cứu, phân tích các báo cáo đánh giá Chỉ số PCI năm 2024 của VCCI và Sở Tài chính, từ đó xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả và bền vững cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các kế hoạch, kết luận và công văn chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả”. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát nhiệm vụ được phân công, khắc phục triệt để các bất cập trong quản lý, đồng thời phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Người đứng đầu phải gương mẫu trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới phong cách làm việc và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về kết quả công việc trong phạm vi quản lý. Trọng tâm là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Mọi biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Cải cách hành chính tiếp tục được xác định là khâu then chốt. UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, thuế… nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính cần được đơn giản hóa, giải quyết trên môi trường điện tử và minh bạch hóa quy trình thực hiện.
Cùng với đó, chính quyền các cấp phải xác định chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng số hiện đại, đảm bảo liên thông dữ liệu giữa các cấp, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Ninh Bình đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao điều hành kinh tế, phát triển bền vững vì lợi ích doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: KCN Gián Khẩu, Ninh Bình)

Ninh Bình đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao điều hành kinh tế, phát triển bền vững vì lợi ích doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: KCN Gián Khẩu, Ninh Bình).

UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục duy trì các buổi đối thoại định kỳ với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Cần xây dựng quy trình triển khai các dự án đầu tư một cách rõ ràng, cụ thể và có thời gian cam kết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả.
Đồng thời, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng được rà soát, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn. Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong tư vấn thị trường, tiếp cận vốn, đất đai, xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực.
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động được chú trọng, thông qua liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để thiết kế chương trình học phù hợp, trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và tư duy đổi mới cho người lao động.
Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu kiểm tra thường xuyên, đột xuất về cải cách hành chính và nâng cao môi trường kinh doanh. Các kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông để tăng tính minh bạch.
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả điều hành ở các cấp. UBND tỉnh yêu cầu công khai đầy đủ các thủ tục hành chính, quy hoạch, chính sách ưu đãi đầu tư… trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, giám sát và góp ý.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2021 và Công văn số 102/UBND-VP2 ngày 29 tháng 7 năm 2022. Với những giải pháp toàn diện và quyết liệt, Ninh Bình kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ vị trí trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc trong năm 2025, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thuận lợi và hấp dẫn hơn nữa đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.