The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

NGHỊ QUYẾT 35 – CHÌA KHÓA CHO CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO VÀ PHỤC VỤ-Kỳ 1: Chi phí không chính thức hành doanh nghiệp đến bao giờ?

Quyết liệt đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận như một luồng gió mới cải cách mạnh mẽ. Đặc biệt, việc Chính phủ tuyên chiến với thủ tục hành chính rườm rà, nạn chi phí không chính thức và việc doanh nghiệp có quyền từ chối thanh kiểm tra quá 1 lần trong năm là những điểm mới mang tính đột phá, được xem như tuyên ngôn của Chính phủ.

Cải cách hành chính phải thực sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Ảnh: T.C.A

Lao Động sẽ có những phân tích để làm rõ những giải pháp nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao nội lực và người lao động được hưởng lợi trong loạt bài "Nghị quyết 35 - Chìa khóa cho Chính phủ kiến tạo và phục vụ".

Theo một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại lễ công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015, hầu hết các doanh nghiệp (DN) được hỏi đều cho rằng, thủ tục hành chính rườm rà, sự tái xuất của hàng loạt giấy phép con, giấy phép cháu, cùng những chi phí không chính thức không những không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn gia tăng theo từng năm. Điều này làm tăng chi phí của DN, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm sức cạnh tranh. Nhiều cơ quan công quyền phớt lờ các quy định, đơn phương áp đặt mệnh lệnh hành chính khiến DN thiệt đơn thiệt kép, mà không biết kêu ai.

Đơn phương một mình, một kiểu

Mới đây, một quyết định đơn phương của UBND tỉnh Bình Phước khiến nhiều DN bất bình. Số là trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, từ Chính phủ đến các bộ, ngành và tỉnh, thành trên cả nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chung do VNPT thiết lập. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, cuối năm 2015, các cơ quan nhà nước tại tỉnh Bình Phước lại nhận được một chỉ đạo “tréo ngoe” của tỉnh chuyển sang sử dụng mạng của DN viễn thông khác, dẫn đến nguy cơ lãng phí tiền của. Văn bản số 235/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Phước đơn phương yêu cầu “Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Viettel Bình Phước xây dựng kế hoạch phân kỳ thời gian triển khai cụ thể đến từng đơn vị…”.

Điều đáng nói là từ năm 2004, Chính phủ đã có công văn số 228/CP-CN xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, giao TCty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chủ trì, lập dự án đầu tư xây dựng. Đến nay, VNPT Bình Phước đã phối hợp Cục Bưu điện trung ương cung cấp đường truyền số liệu chuyên dùng đến gần 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước trong tỉnh, nâng cấp các kênh đang sử dụng từ cáp đồng sang cáp quang. Đại diện VNPT Bình Phước dù “nóng ruột” cũng không dám thúc lãnh đạo tỉnh, đành chờ Sở TTTT xếp lịch làm việc.

Đây chỉ là một trong số những mệnh lệnh hành chính của cơ quan công quyền gây thiệt hại cho DN, đội vốn ngân sách, mà DN cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn”. Tại cuộc gặp DN với Thủ tướng vừa diễn ra cuối tháng 4, trong bản “tấu” kêu lên Thủ tướng, Công ty CP SXTM Lạng Sơn cho biết: “Luật Doanh nghiệp quy định: “DN được phép đăng ký kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, nhưng khi đăng ký kinh doanh, DN vẫn phải liệt kê chi tiết những ngành nghề dự kiến kinh doanh, nếu muốn kinh doanh thêm ngành nghề vẫn phải đăng ký bổ sung ngành nghề với Phòng Đăng ký kinh doanh. Do luật đã có nhưng các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, gây khó khăn cho DN và cán bộ thụ lý hồ sơ, DN muốn giải quyết công việc sẽ sinh ra tiêu cực phí.

Chưa kể khi ban hành văn bản dưới luật, từng bộ, ngành sẽ tạo ra lợi ích nhóm riêng của họ nên có tình trạng “Thông tư, văn bản hướng dẫn cao hơn luật” sinh ra tiêu cực. Chưa kể tình trạng cán bộ thụ lý yếu kém, cố tình sách nhiễu để DN phải “bôi trơn”.

Những năm gần đây, các bộ đua nhau ban hành những văn bản cấp phép nhập khẩu, khi DN muốn nhập khẩu phải xin phép theo quản lý của từng bộ, mỗi lần xin phép phát sinh thêm thời gian và chi phí theo quy định và ngoài quy định, vô hình trung nảy sinh ra đủ loại giấy phép con, giấy phép cháu, mỗi lần xin lại phải chờ cơ quan công quyền chấp thuận mới được xuất nhập khẩu, dẫn đến chi phí không chính thức không biết bao nhiêu mà kể.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho biết: Trong các cuộc điều tra về chỉ số PCI những năm gần đây, thủ tục “hành là chính” và chi phí không chính thức được DN xem là “điểm nghẽn” cơ chế. Tỉ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% số DN tham gia điều tra cho biết các khoản chi cho riêng “phí bôi trơn” chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Vẫn có 65% số DN cho biết ‘‘tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến’’.

Làm gì để đỡ bị “hành”?

Vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn, trong con mắt của các DN dân doanh, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự cạnh tranh bình đẳng. Vì sao Đà Nẵng 3 năm liên tiếp trụ hạng ở ngôi đầu bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với số điểm 68,34 - được cộng đồng DN thừa nhận là một chính quyền gần dân. Trong khi Hà Nội chỉ xếp ở vị trí 24 và TPHCM may mắn lọt vào top 10.

Với Đà Nẵng, Trung tâm hành chính tập trung của thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9.2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, DN lẫn cán bộ, công chức. Những kết quả này đã được ghi nhận trong điều tra PCI 2015 với đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện của trung tâm hành chính tập trung của Đà Nẵng đều cải thiện.

Tỉ lệ DN cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm 2014 lên 70% (năm 2015). Tỉ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc hiệu quả” cũng tăng từ 71% năm 2014 lên 76% năm 2015. Hướng tới việc xây dựng một “thành phố thông minh”, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công.

Trong PCI, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng phản ánh nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc tạo ra một “sân chơi” công bằng và bình đẳng cho DN thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, không phân biệt đối xử. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, Nghị quyết 35 đã cởi mở trúng điều băn khoăn lớn của DN về một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Theo đó, vấn đề tiết giảm chi phí kinh doanh cho DN là một nội dung được Chính phủ giao rất cụ thể cho từng bộ.

Theo đó, Nghị quyết 35 nêu rõ, các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát. Muốn loại bỏ các loại chi phí “bôi trơn”, nhũng nhiễu DN, Chính phủ yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch, nhằm tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng; từ đó công khai quy trình, thủ tục, Điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của các cơ quan công quyền, triển khai cơ chế “một cửa” liên thông tại cơ quan nhà nước ở các địa phương.

Hồng Quân

Báo Lao động