The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ngành Công Thương Thái Nguyên đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2021

Ngày 14/8/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, đánh giá những mặt đạt, chưa đạt, đưa ra giải pháp để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 và những năm tiếp theo. Năm 2020 “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” đang có điểm số thấp nhất (5,63 điểm) trong 10 chỉ số thành phần.
Đại diện ngành Công Thương, đồng chí Nguyễn Bá Chính - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Công Thương tại có bài tham luận phân tích và đưa ra một số giải pháp cải thiện chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp góp phần nâng cao chỉ số PCI năm 2021.
Năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh, ngành Công Thương Thái Nguyên đã phấn đấu, nỗ lực có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp và xây dựng 58%, dịch vụ và thuế sản phẩm 30,6% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 11,4%; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 783 nghìn tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt khoảng 25 tỷ USD; Đối với lĩnh vực quản lý của sở, những năm qua, Sở Công Thương đã tích cực, linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp thiết thực hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể trọng tâm là tập trung, nỗ lực cải cách, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các Sở, ban, ngành của tỉnh năm 2020, Sở Công Thương đứng thứ nhất.
Phân tích sự thay đổi của Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp" qua chuỗi thời gian 2016 - 2020 (năm 2016 đạt 4,89 điểm; năm 2017 đạt 6,00 điểm; năm 2018 đạt 5,81 điểm; năm 2019 đạt 6,05 điểm; năm 2020 đạt 5,63 điểm) cho thấy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã dần được cải thiện về chất lượng nhưng chưa ổn định qua các năm.Chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” được tính toán dựa trên kết quả tổng hợp thông qua 10 nhóm chính của 24 chỉ số cơ sở; là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; Tỷ lệ DN cung cấp dịch vụ; Tỷ lệ DN CCDV tư nhân và FDI; Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường; Dịch vụ tư vấn về pháp luật; Dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh; Dịch vụ xúc tiến thương mại; Dịch vụ liên quan tới công nghệ; Dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính; Dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh. Những dịch vụ này nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng tốt sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, tiếp tục là một năm đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hệ thống chính quyền phải căng sức để đối phó với đại dịch COVID-19; Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh trong việc cải thiện chỉ số PCI thành phần " Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp", với mục tiêu là tiếp tục duy trì các chỉ số cơ sở đã đạt kết quả tốt, đồng thời cải thiện các chỉ số cơ sở còn thấp, Sở Công Thương xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Giải pháp cải thiện chỉ số cơ sở “Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ (CCDV) trên tổng số doanh nghiệp” và “Tỷ lệ DN CCDV tư nhân và FDI trên tổng số DN CCDV”: Tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó làm cơ sở để tổ chức các hoạt động giới thiệu, thông tin và kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tư vấn pháp lý, đào tạo… với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ đảm bảo sát với thực tiễn, thiết thực hiệu quả; Chú trọng tạo hành lang thuận lợi để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển cả về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ; Tăng cường thông tin, giới thiệu về khối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh để kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp; Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc vận động, hỗ trợ các hội viên sử dụng dịch vụ hỗ trợ của nhau; Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Thứ hai: Giải pháp cải thiện chỉ số cơ sở “Số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm”: Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tận dụng triệt để tính ưu việt của công nghệ thông tin và xu hướng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn thương mại điện tử góp phần mở rộng kênh phân phối; Xây dựng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Thái Nguyên, nâng cấp Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh; Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm trực tuyến với các tham tán thương mại tại các nước trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19.
Thứ ba: Giải pháp cải thiện chỉ số cơ sở “Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (TTTT)”, “DN từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật (TVPL)”, “DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh (ĐTKD)”, “DN từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại (XTTM)”, “DN từng sử dụng dịch vụ liên quan tới công nghệ (%)”, “DN từng sử dụng dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính (KTTC)”, “DN từng sử dụng dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh (QTKD)”: Xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 để định hướng chiến lược, nâng cáo chất lượng, hiệu quả các dịch vụ xúc tiến thương mại.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển.