The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính.
Ngày 30/6, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2023; thảo luận giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2021, tỉnh Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên đa số các nhiệm vụ cải cách hành chính vẫn được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ.
Trong đại dịch, chính quyền các cấp luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp; nhiều giải pháp, cách làm mới đã được triển khai thực hiện như: Cấp giấy đi đường trực tuyến, tiếp nhận thủ tục hành chính tại nhà...
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt việc việc tiếp nhận và xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh. Kết quả, tỉnh có 5/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng vị trí xếp hạng, đặc biệt là điểm số của tỉnh được cải thiện so với năm 2020 (tăng 2,12%).
Sự kiện - Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt phát biểu tại hội nghị.

Nhờ cải thiện và đột phá lớn trong cải cách hành chính, trong năm vừa qua, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 85,58%, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,12% nhưng giảm 5 bậc so với năm 2020); xếp thứ 7 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh đạt 87,92%, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 1,68%, giảm 11 bậc so với năm 2020); xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mặc khác, theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2021 đạt 64,74 điểm (tăng 1,92 điểm), xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 11 hạng) so với năm 2020, xếp thứ 7/13 (tăng 1 bậc) so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên Bản đồ PCI cả nước.
Kết quả PCI năm 2021 đánh dấu 6 năm liên tục PCI của tỉnh Cà Mau có những chuyển biến tích cực về thứ hạng so với các tỉnh, thành phố cả nước và 3 năm liên tục PCI của tỉnh Cà Mau có những chuyển biến tích cực về thứ hạng so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả này đã tiếp tục ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Đặc biệt, sự năng động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo điều hành và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau trong thời gian vừa qua.
Sự kiện - Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính (Hình 2).

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại khu vực Cần Thơ đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng thời đề xuất, gợi mở một số giải pháp giúp Cà Mau nâng cao chỉ số PCI và cải cách hành chính trong thời gian tới.
Dẫu vậy, ông Lam vẫn đánh giá tỉnh Cà Mau là một trong hai tỉnh có chỉ số PCI ấn tượng, tiêu biểu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi tăng đến hơn 10 bậc so với năm 2020.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện hơn chỉ số PCI tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, đề nghị ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính, phải có tư duy đổi mới, mạnh dạn thí điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Song song đó, Cà Mau sẽ đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng suất lao động; tăng cường kết nối giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức.
Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…