The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Miền Trung - Tây Nguyên: Tạo thương hiệu vùng thu hút đầu tư

Các tỉnh miền Trung - Tây nguyên tuy đã tăng trưởng khá nhưng còn rất nhiều dư địa, tiềm năng chưa thể phát huy, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung.

Đô thị Đà Nẵng có những tiềm năng tương xứng để tiên phong trong phát triển vùng.

Đô thị Đà Nẵng có những tiềm năng tương xứng để tiên phong trong phát triển vùng.

Không bỏ lỡ cơ hội này, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển dịch, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.
Liên kết ngang tạo sự cạnh tranh
Với lợi thế và tiềm năng, kết hợp với sự quan tâm tối đa của Nhà nước, nhưng khu vực miền Trung phát triển vẫn còn hạn chế so với 2 đầu đất nước. Theo ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, khác biệt với 2 vùng kinh tế lớn của đất nước xoay quanh những thành phố lớn, các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây nguyên phần lớn tương đồng về điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển. Chính sự tương đồng này khiến NĐT khó lựa chọn, thậm chí bị nhiễu thông tin vì không hình dung được đâu là cái mình cần.
Điển hình, miền Trung có bờ biển dài, bãi biển đẹp rất thuận lợi trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, có các hệ sinh thái điển hình và đa dạng sinh học với 9 vườn quốc gia, trong đó nổi trội với Phong Nha - Kẻ Bàng... Miền Trung - Tây nguyên là nơi tập trung hầu như toàn bộ giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước được UNESCO công nhận, như cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, cồng chiêng Tây nguyên...
Hệ thống giao thông từ đường bộ, đường không, đường biển được đầu tư đồng bộ, tạo thế phát triển liên hoàn. Đối với lĩnh vực chế biến sâu về nông lâm thủy sản, khu vực này sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với chi phí thấp và tay nghề tốt, hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề khá hoàn chỉnh.
Vậy nhưng, cái khó lớn nhất là tạo sự liên kết để tất cả địa phương vốn có sự tương đồng này ngồi lại với nhau để sàng lọc những cái chung nhất nhằm tạo thương hiệu vùng. Trong cái chung ấy, dựa trên những đặc thù riêng mỗi địa phương sẽ tạo nên những ngành mũi nhọn nhưng không đi riêng lẻ với từng địa phương. Thí dụ, xét về hạ tầng Đà Nẵng có thể phát triển cảng biển, sân bay. Nhưng về yếu tố công nghiệp ở Quảng Nam, sân bay Chu Lai và cảng Dung Quất có thể đáp ứng.
Việc tận dụng lợi thế giữa các địa phương để phát triển giúp quản lý, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Trong đó, Đà Nẵng có những ưu thế tiên phong để xây dựng cơ chế cho liên kết vùng. Về hạ tầng giao thông, Chính phủ đang tập trung hạ tầng giao thông từ Đà Nẵng kết nối với các địa phương khác, như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bình Định...
Chính sự thuận lợi về giao thông, Đà Nẵng sẽ giúp các địa phương khác phát triển. Khi Đà Nẵng không còn quỹ đất thành phố sẽ chuyển những dự án này đến địa phương khác, và chỉ thu hút những ngành có lợi thế về công nghệ thông tin, công nghệ cao, với nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính trong quá trình thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tự động hỗ trợ, liên kết với nhau.
Đầu tư nội lực để phát triển dọc
Theo ông Kim Kyung Hwan, Tổng giám đốc Công ty Hyosung Quảng Nam, sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đặc tính sản phẩm, các dây chuyền sản xuất của Hyosung Quảng Nam phải được vận hành 24/24, đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối, chỉ 1 giây mất điện sẽ gây thiệt hại lớn. Đơn vị dự kiến xây dựng trạm biến áp 110kV quy mô 8 triệu USD. Với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, trạm biến áp 110kV của Hyosung được bổ sung vào mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục chuyển chủ đầu tư từ Hyosung Quảng Nam sang đơn vị quản lý tài sản về sau là Công ty Điện lực miền Trung.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng cần mạnh dạn áp dụng các thực tiễn tốt cải thiện môi trường kinh doanh ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần nhân rộng và lan tỏa các thực tiễn tốt từ chính câu chuyện của mình. Thí dụ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Mikazuki Spa và Hotel Resort Xuân Thiều đã rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư và sớm đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục triệt để tâm lý e dè, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực tế việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. “Chất lượng không chỉ dựa vào số thủ tục có thể triển khai trực tuyến, mà là chất lượng, số lượng thủ tục, hồ sơ được xử lý thông qua thủ tục công trực tuyến, thời gian được rút ngắn, tính minh bạch, chi phí chính thức và không chính thức được tiết giảm…” - ông Quang chia sẻ.
Để doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân tài làm việc, theo ông Lee Yin Kyo, Phó Giám đốc Công ty TNHH C&N Vina, việc tạo ra cơ chế kết hợp doanh nghiệp và các trường đại học có chất lượng để đào tạo tri thức và kinh nghiệm cho nhân lực có chuyên môn cao là cần thiết. Các doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho sinh viên có thể thực tập và nhận học bổng tại doanh nghiệp liên kết, cũng như sẽ có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc và các cơ hội được tuyển dụng. Ngoài ra, Trường Đại học Quảng Nam cũng cần xem xét mở rộng khoa tiếng Hàn, để đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Chung, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) đề nghị, các địa phương miền Trung - Tây nguyên cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa chỉ số PCI và PAPI đứng trong “top 15” cả nước. Bên cạnh đó, chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đón các dòng vốn FDI chuyển dịch. Các địa phương cần xây dựng tiêu chí cho các dự án đầu tư phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Theo đó, chủ động nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư có trọng điểm, ưu tiên thu hút dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương...