The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Long An hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại

Long An đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của địa phương tốt hơn; môi trường đầu tư ngày càng lành mạnh và hấp dẫn hơn. Phấn đấu đến năm 2020, Long An thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Tạo điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoài nước

Trong những năm qua, tỉnh Long An đã chọn giải pháp có tính đột phá là cải thiện môi trường đầu tư mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch với cơ chế "tập trung đầu mối” và “liên thông” giữa các cơ quan chức năng, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.

Đối với các nhà đầu tư, Long An cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh Long An đang muốn gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước một thông điệp “Long An luôn luôn là điểm đến của các nhà đầu tư.”

Hiện nay, tỉnh Long An đứng đầu danh sách các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn FDI và số lượng dự án; có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào tỉnh, các dự án tập trung chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp ở các huyện kinh tế trọng điểm như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.

Đến nay, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh gần 800 dự án với tổng số vốn gần 6 tỷ USD. Toàn tỉnh có 500 dự án đi vào hoạt động, chiếm khoảng 62,5% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3 tỷ USD, đạt hơn 50% so với tổng vốn đăng ký.

Có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đứng đầu danh sách về tổng vốn đầu tư là Vương quốc Anh; Đài Loan (Trung Quốc); Nhật Bản; Singapore; Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các dự án đầu tư vốn FDI đang hoạt động ở tỉnh Long An cũng thu hút được 36% tổng số lao động có việc làm của tỉnh và đóng góp hơn 30% thu ngân sách của tỉnh với hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Các dự án đầu tư FDI đã và đang tạo ra bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Long An, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các trung tâm kinh tế gắn với phát triển đô thị, giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững; đồng thời kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An ưu tiên mời gọi đầu tư FDI với các dự án trọng điểm như: khu dân cư đô thị; hạ tầng giao thông; hạ tầng công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, các dự án có hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao… Cụ thể, tỉnh Long An kêu gọi đầu tư 16 dự án với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD.

Nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

Tỉnh Long An đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mực tiêu đưa tỉnh lên nhóm "rất tốt", xếp hạng ở TOP 10 trong kết quả xếp hạng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An xác định thực hiện 9 nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư tốt và hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của địa phương.

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết, tỉnh long An đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hấp dẫn nhà đầu tư trong ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm triển khai, tùy từng dự án mà áp dụng biện pháp cụ thể như thu hồi toàn bộ dự án, điều chỉnh quy mô diện tích còn lại cho phù hợp với năng lực của nhà đầu tư hay gia hạn một thời gian hợp lý cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai theo cam kết.

Tỉnh thực hiện chọn lọc trong thu hút tiếp nhận đầu tư, nhất là hạn chế tiếp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường nặng, các dự án sử dụng đất lúa, đất không phù hợp kế hoạch, qui hoạch sử dụng đất của địa phương.

Đưa Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức và tiếp tục cải cách trong cải cách hành chính (tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá, lựa chọn cán bộ).

[Thủ tướng kỳ vọng Long An trở thành đầu tàu kinh tế cả nước]

Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền huyện, thị xã và thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Long An, cần xây dựng kế hoạch và triển khai triệt để công tác cải thiện PCI đến từng ngành, từng cấp; phối hợp nhịp nhàng trong giải quyết các vụ việc liên quan doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của địa phương trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, kiểm tra, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng và tăng quy mô đào tạo, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tổ chức thống kê, rà soát, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của thị trường lao động, từ đó thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc nghề cho người lao động, kết nối chặt chẽ giữa đào tạo của các cơ sở dạy nghề và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp...

Ông Phan Duy Nhân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, cho biết thêm, tới đây, Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và chính quyền huyện, thị xã và thành phố để bố trí khoảng 5.000 ha đất sạch có khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư đến năm 2020.

Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các huyện Đồng Tháp Mười, huyện Cần Đước và huyện Cần Giuốc. Hiện nay, tỉnh Long An đã quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định với diện tích 380.000 ha, đảm bảo chỉ tiêu sản xuất lương thực hằng năm của tỉnh.

Trong thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh Long An không ngừng được cải thiện, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2016 chỉ số PCI của tỉnh Long An đứng thứ 15 cả nước.

Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng đã thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động tăng lên rõ rệt./.

Hữu Hiếu