The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lạng Sơn: Thu hút đầu tư - nâng cao năng lực cạnh tranh

Với định hướng khai thác tối đa các tiềm năng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo vùng Đông Bắc. Đó là Chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn.
- Những kết quả nào cho thấy mục tiêu trên của Lạng Sơn đang dần trở thành hiện thực, thưa ông?
Để phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có, từ năm 2015, tỉnh đã đề ra 3 chương trình trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế là: phát triển kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, những năm qua, tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân từ 8-9%; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 7,63%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.383 tỷ đồng tăng 16,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2019 ước đạt 4.750 triệu USD; GRDP bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng.
Trong năm qua, Lạng Sơn đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.112 tỷ đồng; thành lập mới khoảng 390 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã. UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng.
 Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác cải cách thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp giữa Vietcombank Lạng Sơn và Sở
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác cải cách thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp giữa Vietcombank Lạng Sơn và Sở
- Vậy, định hướng và giải pháp thu hút đầu tư của Lạng Sơn trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Lạng Sơn đã đề ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2020. Tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tiếp tục đảm bảo thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa...
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2020; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ nông - lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng; đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trong giai đoạn 2019 - 2025, Lạng Sơn ưu tiên thu hút đầu tư đối với dự án thuộc các lĩnh vực: logistics và kinh tế cửa khẩu; xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, CCN; đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; phát triển du lịch. Đồng thời, cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn phấn đấu đến 2025 có khoảng 300 doanh nghiệp có mức vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó có 8-10 doanh nghiệp có mức vốn từ 500-1.000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt trên 40%.
- Một vài chia sẻ của ông về những quyết tâm, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian qua?
Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều đề án, chính sách để tập trung chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong phát triển; tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện, góp phần thúc đẩy thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đối với Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian trong việc đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đảm bảo dưới 03 ngày làm việc; Niêm yết đầy đủ, công khai các TTHC liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng công tác trả lời và công khai hóa kết quả xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trên các kênh thông tin. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cá nhân có nhu cầu lập dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp…
- Xin cảm ơn ông!