The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lâm Đồng quyết tâm đạt mục tiêu thành lập 10.000 doanh nghiệp

Lâm Đồng đặt ra mục tiêu mỗi năm phải có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để đến năm 2020 có khoảng 10.000 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Theo đó, Lâm Đồng đã có những động thái tích cực để đạt mục tiêu này cũng như hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Để tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 15.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và 4.057 doanh nghiệp giải thể, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, thương mại và đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động, năm 2016, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã lập tức yêu cầu Trung tâm xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và nhiều lần tiến hành họp bàn, khảo sát ý kiến doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp…được thông qua đầu năm 2017. Với đề án này, 5 tỷ đồng cùng nhiều chính sách, ưu đãi đặc thù sẽ hỗ trợ cho việc khởi nghiệp, ươm mầm khởi nghiệp, từ đó hiện thực hóa mục tiêu lớn nhất của đề án là phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000 doanh nghiệp hoạt động.

Trong giai đoạn 5 năm qua, môi trường kinh doanh của tỉnh từng bước được cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng khá, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được năng lực cạnh tranh. Riêng năm 2016, Lâm Đồng có 917 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.455,3 tỷ đồng, tăng 8,4% về số lượng doanh nghiệp, 103,3% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2016 đạt 9,2 tỷ đồng, cao gấp 1,13 lần mức bình quân cả nước, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo tìm hiểu của PV thì tỷ lệ tăng trưởng đăng ký kinh doanh bình quân giai đoạn 2011-2016 của Lâm Đồng là 15,87%. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh gồm: Nông lâm nghiệp chiếm 3,1%; công nghiệp – xây dựng chiếm 6,4%; dịch vụ chiếm 4,7%. Khu vực doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 720 nghìn lao động với thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm và tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 480 triệu USD/năm. Như vậy, trong số khoảng 800 doanh nghiệp mới thành lập hàng năm, có từ 30 đến 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp.

Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng với 3 mục tiêu chính là: Hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã mới; đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000 doanh nghiệp; Hình thành nhiều sản phẩm mới đặc thù của Lâm Đồng trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Hình thành nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để giúp các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp thành công, cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong các hoạt động xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đồng hành với các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi hình thành ý tưởng, phương án khởi nghiệp cho đến khi tham gia thị trường.

Những cá nhân, doanh nghiệp có phương án khởi nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt sẽ nhận hỗ trợ tối đa từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng chi phí khai thác thông tin, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý, sở hữu tài sản trí tuệ; dịch vụ tập huấn, đào tạo, sản xuất thử nghiệm thị trường; tạo sản phẩm mới… Ngoài ra, phương án khởi nghiệp còn được hỗ trợ 3% lãi suất tín dụng sau đầu tư trong thời gian 36 tháng. Bên cạnh kinh phí 5 tỷ đồng bố trí từ nguồn vốn ngân sách địa phương, tỉnh Lâm Đồng còn tranh thủ các nguồn vốn của ngân sách trung ương hàng năm hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, cùng các nguồn vốn khuyến công, hỗ trợ nông dân, phát triển hợp tác xã…

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Để đạt được mục tiêu 10.000 doanh nghiệp, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tập trung nhiều giải pháp gỡ khó, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển với quyết tâm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ thể quan trọng, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Đặc biệt, cần rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.. Song song đó sẽ tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Vẫn biết hiện thực hóa con số 10.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là điều không dễ dàng, nhưng bằng những giải pháp đồng bộ mà các ngành đang triển khai, sự hỗ trợ tối đa từ Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp, tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lâm Đồng sẽ đạt mục tiêu trên.

Ngọc Danh – Hải Yến

Theo thuonggiathitruong.vn