The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lâm Đồng: Dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Trong thời gian qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhằm cải cách hành chính, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp 276 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 190 dịch vụ công mức độ 4 cho người dân và doanh nghiệp. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc địa giới hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng xác định việc triển khai dịch vụ công trực tuyến là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, liên quan trực tiếp đến 4 tiêu chí thành phần của chỉ số PCI (Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức và Cạnh tranh bình đẳng). Chính vì vậy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể trong năm 2020 cho từng sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; theo đó, yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên rà soát, chuẩn hóa các quy trình, xây dựng dịch vụ công theo đúng quy định và đảm bảo 50% số dịch vụ công tỉnh cung cấp phải phát sinh hồ sơ trực tuyến, 20% số hồ sơ trực tuyến được phát sinh, đồng thời Lâm Đồng đã xây dựng lộ trình tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, đã hoàn thành tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến quốc gia, hệ thống định danh quốc gia và cung cấp được 28 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Những nỗ lực trên đã góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh qua các năm (năm 2016 xếp hạng 51/63 tỉnh, thành, năm 2019 xếp hạng 22/63 tỉnh, thành). Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp cũng tăng dần qua mỗi năm.
Có thể thấy rằng dù đã có nhiều nỗ lực, cũng như có những sự thay đổi lớn theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn còn mặt hạn chế, chưa đạt được như mong muốn. Theo đánh giá của các cơ quan trung ương, Lâm Đồng chỉ đạt 13,9% số lượng dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến và 14,32% số lượng hồ sơ trực tuyến được phát sinh.
Một trong những nguyên nhân chính, đó là tỉnh chưa tận dụng được hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung trong cung cấp dịch vụ công. Một số bộ, ngành trung ương như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư… đã xây dựng dịch vụ công cho các địa phương thực hiện và đã hình thành được các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống của tỉnh còn hạn chế nên chưa tận dụng được những dữ liệu điện tử đã hình thành và phải tốn chi phí cho việc hình thành thông tin điện tử của từng dịch vụ công riêng lẻ. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin ở một số đơn vị cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, đa số người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ công. Bên cạnh đó, với đặc điểm Lâm Đồng là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25% dân số toàn tỉnh thì việc triển khai dịch vụ công mà thiếu đi các giải pháp hỗ trợ đi kèm dễ dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước nỗ lực cung cấp dịch vụ công nhưng lại không có khách hàng sử dụng.
Có thể thấy rõ, để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương cần phải tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng, nền tảng dùng chung; thường xuyên rà soát hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, kịp thời nâng cấp, trang bị mới các thiết bị cần thiết để duy trì việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các đơn vị cấp xã. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống, sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Để đạt hiệu quả trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh nỗ lực của cơ quan nhà nước cần phải có sự tương tác của người dân và doanh nghiệp. Do đó cần tăng cường hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức: xây dựng tài liệu và video hướng dẫn đăng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; phát tờ rơi tuyên truyền; bố trí trang thiết bị và hướng dẫn trực tiếp tại Bộ phận một cửa các cấp. Xây dựng kênh tương tác cho phép người dân và doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong thực hiện dịch vụ công. Dựa trên kết quả đánh giá của người dân và doanh nghiệp, Tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Quan tâm xây dựng các phương án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hoặc lồng ghép nội dung này trong các kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Có thể khẳng định, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được người dân và doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao. Để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và số hồ sơ giao dịch ngày càng tăng cao, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thêm lòng tin của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng hạng chỉ số cạnh tranh của tỉnh.