The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Lai Châu: Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện

Vừa qua tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011, tỉnh Lai Châu được xếp ở nhóm các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt, tăng 9.14 điểm (từ 51.22 lên 60.36 điểm), 31 bậc (từ 57 lên 26) so với năm 2010. Nhân sự kiện này, phóng viên Lai Châu Online có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Mai – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thảo luận về giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Ảnh: Thu Trang.
Phóng viên (P.V): Thưa ông, nguyên nhân nào khiến tỉnh ta tăng tốc tới 31 bậc so với năm 2010 về chỉ số PCI? Ông đánh giá gì về kết quả này?
Ông Nguyễn Hữu Mai: Để thu hút đầu tư và mở rộng môi trường kinh doanh, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Cụ thể như: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 về việc ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; triển khai thực hiện một cửa liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục cấp phép đầu tư và cấp phép kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang có chủ trương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 nhằm tạo môi trường thông thoáng và những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về cơ hội đầu tư và con người Lai Châu trên các phương tiện báo, đài và các cơ quan thông tin truyền thông khác của Trung ương và địa phương, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin kinh tế - xã hội (KT-XH) và môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các ngành, các cấp từng bước hoàn thiện các nội quy, quy chế làm việc, quy chế ứng xử của cán bộ công chức trong cơ quan đối với doanh nghiệp và người dân khi tới liên hệ công tác và giải quyết công việc. Với những thủ tục nhanh chóng, đơn giản, gọn nhẹ và thái độ phục vụ tận tình của lãnh đạo, cán bộ công chức các ngành, các cấp đã góp phần giảm phiền hà, thông thoáng trong giao dịch của doanh nghiệp và cá nhân. Đây được coi là yếu tố quan trọng góp phần vào thành quả thu hút đầu tư vào địa bàn.
Kết quả PCI 2010 là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển KT-XH của địa phương. Từ đó đã tạo ra được hành lang thông thoáng, cởi mở cho nhà đầu tư, thúc đẩy tình hình thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
P.V: Kết quả PCI 2010 tăng cao có ý nghĩa gì đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh nhà?
Ông Nguyễn Hữu Mai: Đây là nhân tố rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, là cơ sở đánh giá lòng tin của nhân dân đối với hệ thống chính quyền tại địa phương, góp phần tích cực vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là những dự án đầu tư có vốn đăng ký lớn, có tác động tích cực đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh phản ánh đúng bản chất môi trường kinh doanh của tỉnh, là thông tin quan trọng giúp cho lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, cùng các cơ quan chức năng nhận thấy rõ được môi trường kinh doanh cũng như thành quả lãnh đạo điều hành phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ và bộ máy chính quyền ở các cấp nhanh chóng tiến hành công cuộc cải cách thủ tục hành chính để cải thiện, nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong năm tới và các năm tiếp sau. Năm 2012 tỉnh ta phấn đấu nâng chỉ số PCI ở tốp 20 địa phương đứng đầu trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Thục Anh. P.V: Trong quá trình nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh ta có những thuận lợi gì và còn những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Mai: Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên tỉnh ta luôn được sự quan tâm từ các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chính quyền các địa phương. Đó là sự đồng lòng, nhất quán trong công tác điều hành quá trình phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Mặc dù đa phần đội ngũ cán bộ của các sở, ban, ngành tỉnh là cán bộ trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, song đại đa số cán bộ đã được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, rất tâm huyết và có trách nhiệm cao trong công việc. Đây là yếu tố quan trọng, giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin và tìm hiểu về tiềm năng lợi thế đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sau 8 năm chia tách, tỉnh Lai Châu đã có nhiều bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, song tỉnh ta vẫn thuộc diện tỉnh nghèo, điều kiện giao thông đi lại và đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, đã có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng thu hút vốn đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã và đang tích cực thực hiện cuộc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa tối đa các thủ tục không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, song đến nay vẫn còn những thủ tục chồng chéo, chưa minh bạch, chưa rõ ràng gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư khi tiếp cận các chính sách đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, phần lớn dân số trên địa bàn tỉnh là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn có phần hạn chế, chất lượng lao động chưa đồng đều, tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn ở mức khiêm tốn (chiếm khoảng 32,5% )… Do đó đã phần nào ảnh hưởng tới tình hình thu hút vốn đầu tư cũng như kết quả về PCI của tỉnh.
P.V: Ông có thể cho biết mục tiêu năm 2012 về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh ta?
Ông Nguyễn Hữu Mai: Mục tiêu năm 2012 về chỉ số PCI của tỉnh là: Tích cực duy trì và nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có liên quan đến hoạt động kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần nâng cao độ tin cậy của nhân dân và doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương. Phấn đấu nâng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2012 nằm ở tốp 20 địa phương đứng đầu trong tổng số 63 địa phương trên địa bàn cả nước.

P.V:Với đặc thù tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, năm nay tỉnh ta đề ra chủ trương và giải pháp như thế nào để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh? Giải pháp nào là đột phá? Tại sao?

9 tiêu chí trong chỉ số PCI 1. Chi phí gia nhập thị trường. 2. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. 3. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. 4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước. 5. Chi phí không chính thức. 6. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh. 7. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 8. Đào tạo lao động. 9. Thiết chế pháp lý.
Ông Nguyễn Hữu Mai: Với đặc thù của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, trong năm 2012 tỉnh ta sẽ tập trung vào một số chủ trương và giải pháp sau đây:Tích cực nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện và áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích ưu đãi đầu tư và sản xuất kinh doanh do Nhà nước ban hành, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cởi mở hơn nữa, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư được hưởng khung ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thấp nhất về nghĩa vụ mà nhà đầu tư phải thực hiện khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vào địa bàn. Đối với những dự án có tác dụng lớn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều bước đột phá trong quá trình phát triển KTXH, tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách riêng, linh hoạt hơn theo đúng thẩm quyền, cụ thể cho từng dự án để khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tích cực đẩy mạnh cuộc cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đăng ký cấp phép đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là bộ phận một cửa. Huy động tối đa các nguồn lực vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH, ưu tiên hàng đầu cho hệ thống giao thông. Đây được coi là khâu đột phá trong hoạt động thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và cải thiện ngày càng tốt hơn môi trường đầu tư, đó cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Bởi vì, khi có hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính gọn nhẹ cũng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, kết hợp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH hoàn chỉnh là yếu tố rất thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án có hiệu quả nhất, đồng thời còn có tác dụng kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phát triển, từ đó góp phần cải thiện và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
P.V:Xin cảm ơn ông!
Thảo Chi