The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kon Tum: Nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, những năm qua, tỉnh ta có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, tốc độ cải thiện điểm số, môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm hơn so với các tỉnh, thành khác nên thứ hạng chưa được cải thiện. Điều đó, đòi hỏi tỉnh ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện Chỉ số PCI.
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index)- Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố. Thông qua việc cải thiện chỉ số này, các tỉnh, thành thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Bởi vậy, nhìn vào kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai trên trang web của dự án (www.pcivietnam.vn), lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Nằm ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, đầu mối của các Quốc lộ 40, 14, 24, có vị trí quan trọng và thuận lợi trong giao lưu và giao thương kinh tế với các nơi khác ở trong nước và quốc tế; tỉnh ta được xem có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, đặc biệt thuộc các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, du lịch và phát triển đô thị. Tuy nhiên, với khó khăn là một tỉnh nghèo, cùng các điều kiện về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, yếu tố về quốc phòng, an ninh do vị trí địa lý đặc biệt của tỉnh có những tác động, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thấy được những thách thức trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đối thoại cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI, tạo điểm thu hút đối với cộng đồng doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, đến nay, số lượng doanh nghiệp của tỉnh là 3.123 doanh nghiệp, vốn đăng ký 35.259 tỷ đồng, tăng 916 doanh nghiệp, tăng 9.981 tỷ vốn so với năm 2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ nét; đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 20.610,7 tỷ đồng; kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm như: Tập đoàn FLC, Vingroup, TH True Milk đã đến đầu tư tại tỉnh.
Trong quá trình thực hiện cải thiện chỉ số PCI, các địa phương, cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh từ tháng 7/2019 là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, việc nâng cao Chỉ số PCI cũng được đưa ra thảo luận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2019, về mặt điểm số, chỉ số PCI tỉnh Kon Tum có sự cải thiện đáng kể, tăng 7,27 điểm so với năm 2016, nhiều chỉ số được cải thiện như: gia nhập thị trường (tăng 11 bậc so với năm 2016); tiếp cận đất đai (tăng 19 bậc so với năm 2016); chi phí không chính thức (tăng 22 bậc so với năm 2016). Điều này một phần phản ánh sự nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện điểm số, môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm hơn so với các tỉnh, thành khác nên thứ hạng chưa được cải thiện, năm 2019, tỉnh ta đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước. Trong đó, nhiều chỉ số đạt được rất thấp và chậm được cải thiện như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; tính năng động của lãnh đạo tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.
Để cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới với mục tiêu nhằm tăng điểm, tăng hạng, thuộc nhóm khá trong các tỉnh, thành cả nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp sau: Cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện chỉ số PCI, bằng cách rà soát lại tất cả các điểm yếu trong thang điểm tính PCI để có biện pháp khắc phục, nhất là thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, hải quan, thuế... nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tổ chức đối thoại, họp mặt doanh nghiệp trong và ngoài nước để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại để kịp thời khắc phục, tích cực thực hiện các biện pháp cụ thể để xử lý, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Cải tiến hoạt động trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, chủ động đăng tải các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách... liên quan đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có cơ chế để hỗ trợ, phát triển; trước mắt là triển khai các hoạt động hỗ trợ theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2 (2016-2020) và xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính có tập trung vào các vấn đề còn bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Cuối cùng là thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ công chức các ngành liên quan đến giải quyết thủ tục, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để không xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà.
Thực hiện tốt hơn nữa việc cải thiện Chỉ số PCI, kinh tế - xã hội ở tỉnh sẽ có những bước phát triển mới.