The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kiên Giang: Tập trung cải thiện điểm số thành phần chứ không đặt mục tiêu thứ hạng.

Chiều ngày 23/6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phạm Vũ Hồng chủ trì hội nghị trực tuyến về phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh và công bố chỉ số CCHC của các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố năm 2019, cùng tham dự hội nghị có ông Giang Văn Phục, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, và Lê Thị Minh Phụng, phó chủ tịch UBND tỉnh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của Kiên Giang, qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhóm điều hành loại khá. Kết quả điểm tổng hợp Chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh đạt 64,99 điểm tăng 1,57 điểm so năm 2018 (63,42 điểm), đứng hạng 35/63 cả nước (giảm 04 hạng) và hạng 7 tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (giữ nguyên) so năm 2018.
Trong 10 Chỉ số thành phần PCI, năm 2019 Kiên Giang có 06 chỉ số tăng điểm, tăng hạng là: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 01 chỉ số tăng điểm, nhưng giảm hạng là chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh ; 03 chỉ số giảm điểm, giảm hạng là: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho rằng: Chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 mặc dù đã tăng 1,57 điểm nhưng so với cả nước thì tỉnh ta tiếp tục giảm thêm 4 bậc so với năm 2018. Còn so sánh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì tỉnh ta vẫn đứng thứ 7 trong 13 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho rằng điều này chứng tỏ doanh nghiệp chưa hài lòng về thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký doanh nghiệp chưa được triển khai tốt, sự nhiệt tình hướng dẫn và sự am hiểu của cán bộ chuyên môn chưa được đánh giá cao, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ còn thấp…
“Cái yếu nhất trong đào tào lao động hiên nay là đào tạo không theo thị trường lao động, không xác định được nhu cầu của thị trường cần cái gì để chúng ta đào tạo đúng nhu cầu của thị trường, do đó trong thời gian tới cần phải lưu ý vấn đề này.” Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng nói.
Về Chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh, mặc dù tăng 4,11 điểm so với năm 2018, nhưng lại xếp vị trí 54/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm đến 9 bậc. Một số lĩnh vực như: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá hành chính… là những lĩnh vực có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm thấp. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng đề nghị: Sở Nội vụ phải coi lại bộ tiêu chí đánh giá và kể cả Hội đồng đánh giá chỉ số này. Thậm chí có thể phải ban hành lại bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh cho tương đồng với Trung ương để giảm mức độ sai lệch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch 138 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số PAPI… Đặc biệt cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung rà soát lại các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu quá thấp thì phải có giải pháp cấp bách để cải thiện, nâng cao.
Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo chủ trương của tỉnh đối với UBND các huyện, thành phố nhằm khắc phục tình trạng “ Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện”.