The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên tạo lập môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư

Thời gian qua, môi trường đầu tư tại Hưng Yên có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đó là kết quả của những đổi mới về cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Môi trường đầu tư chuyển biến rõ rệt
Những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp của tỉnh Hưng Yên đã không ngừng đổi mới về cơ chế, chính sách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Minh chứng cho điều này là sự phát triển vượt bậc của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 của Hưng Yên tăng 14 bậc và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI tăng 39 bậc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.
Mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đã công bố điểm chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Hưng Yên năm 2021 là 88,34, xếp thứ 12/63, tăng 10 bậc so với năm 2020. Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2021 của Hưng Yên cũng tiếp tục duy trì thứ hạng cao với 92,07% (tăng 0,41%), xếp thứ 3/63, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đã khẳng định sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua. Tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và có chuyển biến rõ rệt, hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Hưng Yên cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư FDI.
Ông Trịnh Văn Diễn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng khoảng hơn 200 ha đất khu công nghiệp, đạt hơn 40% kế hoạch năm 2022 để thu hút và tiếp nhận các dự án đầu tư. Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được khoảng hơn 53 ha, đạt hơn 44% kế hoạch.
Toàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án đầu tư mới; trong đó có 27 dự án trong nước, 2 dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.111 tỷ đồng và 29,9 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.086 dự án (1.588 dự án trong nước, 498 dự án nước ngoài).
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đã chỉ đạo, cơ quan quản lý các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới, hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa và có kết quả cụ thể hơn để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Chính quyền, cơ quan quản lý các cấp tiếp tục duy trì hoạt động gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc.
Tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 14.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 152.058 tỷ đồng. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp khoảng trên 70% giá trị tổng sản phẩm (GRDP), gần 40% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 2,3 vạn lao động.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và các doanh nghiệp trong tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, năm 2021 và quý I/2022 tỉnh Hưng Yên cơ bản thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó được minh chứng bằng con số cụ thể: GRDP quý I/2022 của Hưng Yên tăng 8,13%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi khá nhanh, tăng hơn 10%. Đạt được thành tựu đó không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp có làm ăn thịnh vượng thì nền kinh tế đất nước và địa phương mới phát triển phồn vinh, vì vậy, hành động của chính quyền luôn hướng tới doanh nghiệp và người dân. Chính quyền sẵn sàng lắng nghe, đối thoại để gỡ vướng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cần nỗ lực vượt khó, không ngừng hiện đại hoá, tăng năng suất lao động, luôn đồng hành cùng chính quyền và người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương rà soát, tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số PCI, PAPI... Đồng thời, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch của tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh để bảo vệ môi trường đầu tư, bảo vệ môi trường sản xuất.
Ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên khẳng định, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, đầu tư, xây dựng, đất đai, đào tạo lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin về thị trường và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp để thúc đẩy, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Theo BNews