The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Để tạo động lực mới cho quá trình thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn hoặc ông Vũ Ngọc Bảo – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6/2016, tỉnh Hưng Yên thu hút được 389 dự án FDI với số vốn đăng ký 4,08 tỷ USD, xếp 19/63 tỉnh, thành phố, ông nhận định như thế nào về con số này?

Sau khi tái lập tỉnh (01/01/1997), Hưng Yên có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 56,7 triệu USD. Trong các năm từ 1997-2005, tỉnh thu hút được 46 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 296 triệu USD, những con số rất đáng kể vào thời điểm đó. Giai đoạn 2006-2010, kết quả nguồn vốn FDI “chảy” vào tỉnh vẫn tăng trưởng khá. Đến giai đoạn 2010-2015, số dự án FDI mới gia tăng mạnh mẽ với 153 dự án và tổng vốn đăng ký 1.381 triệu USD. Như vậy, tính đến tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh có 389 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 4,08 tỷ USD, xếp 19/63 tỉnh thành phố .

Những con số trên ở góc độ nhất định đã phần nào thể hiện sự cởi mở, thông thoáng về thu hút đầu tư cũng như quyết tâm của chính quyền tỉnh. Song về tổng thể những con số trên còn khiêm tốn và chưa tương xứng với lợi thế. Do vậy, thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trở thành quyết tâm chính trị to lớn của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định 2 trong 3 khâu đột phá quan đến việc đẩy mạnh thu hút đầu tư gồm: (1) Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; (2) Huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông.

Năm 2016 là năm đầu Kế hoạch trung hạn 2016-2020, xin ông chia sẻ một số nét chính trong định hướng, giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh Hưng Yên trong 5 năm tới?.

Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên đề ra 15 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu: Tăng trưởng GDRP 7,5-8%/năm; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế (theo GRDP, giá hiện hành)ở mức công nghiệp - xây dựng 55% - dịch vụ 37% - nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 8%; GRDP/người năm 2020 đạt 75 triệu đồng; thu ngân sách 13.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD,... và tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có vốn đăng ký trên 10 tỷ USD. Tỉnh cũng đã xây dựng 6 chương trình và 11 đề án để cụ thể hóa các mục tiêu trên, trong đó xác định rõ công tác thu hút, tiếp nhận và quản lý dự án đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục xác định đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá phát triển. Về mặt phương hướng đề ra là huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là của các tập đoàn lớn, các dự án FDI có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao để tạo tính lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ động, tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Hưng Yên đang đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, thay thế, đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến thành lập DN, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… Cùng với đó là tăng cường đổi mới công tác CCHC theo hướng đơn giản, hiệu quả với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm, tạo sự thông thoáng, minh bạch trong điều hành, cung cấp dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để công tác quản lý, điều hành nhanh gọn hơn, hiệu quả, giảm chi phí hành chính cho DN và người dân. Ngoài ra, Hưng Yên cònrà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp tại vị trí giao thông thuận lợi, làm cơ sở huy động các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng cũng như thu hút các dự án sản xuất - kinh doanh...

Ông đánh giá như thế nào về công tác cải cách TTHC liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua ?

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 và Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 về kế hoạch thực hiện 02 Nghị quyết 19 của Chính phủ, đã đề ra mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Quá trình thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cắt giảm được trên 40% thời gian thực hiện. Cụ thể, đối với công tác cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký DN được thực hiện trong thời gian chỉ từ 2 - 3 ngày (quy định của Luật DN là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ); công tác cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện trong thời gian từ 7 - 9 ngày (theo quy định tại Luật Đầu tư là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ); giảm thời gian khởi sự đối với DN xuống còn 1 ngày.

Sở cũng tích cực rà soát, điều chỉnh sửa đổi, thay thế Bộ TTHC và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các TTHC liên quan đến thành lập DN, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên cơ sở bộ TTHC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, các bộ phận chuyên môn của Sở đã tích cực rà soát, điều chỉnh và kiến nghị việc xây dựng lại Bộ TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện. Bộ TTHC mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc dễ hiểu, dễ thực hiện, quy định rõ về các bước, trình tự và thời gian thực hiện cho nhà đầu tư. Hiện Sở đã lấy ý kiến của Sở Tư pháp thẩm định lần 02 Bộ TTHC, dự kiến trình UBND tỉnh để công bố trước 30/6/2016. Lãnh đạo Sở cũng đã chỉ đạo các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện TTHC cho DN thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành để kịp thời tham mưu, hướng dẫn người dân, DN thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, Sở còn bố trí cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.

Trong những năm qua, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện các TTHC về đầu tư, kinh doanh, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động tại cơ quan. Hiện nay, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ phận một cửa cũng như các phòng chuyên môn đều thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, giảm thời gian thực hiện TTHC trên hai hệ thống: Hệ thống quốc gia về đăng ký kinh doanh (áp dụng cho đăng ký DN) và Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (áp dụng cho cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Theo đó, nhà đầu tư có thể tự truy cập vào tài khoản đã đăng ký trên hệ thống để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ của bộ phận chuyên môn và khi xử lý xong sẽ tự động chuyển kết quả đến tài khoản của nhà đầu tư.

Trong những năm gần đây, chỉ số PCI của Hưng Yên có nhiều biến động và nhìn chung ở thứ hạng khiêm tốn; theo ông đâu là nguyên nhân và Sở đã và đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào để cải thiện chỉ số này một cách bền vững?

Theo kết quả công bố của VCCI, PCI tỉnh Hưng Yên so với cả nước từ năm 2010-2015 có sự thay đổi không ổn định qua các năm. Năm 2010, Hưng Yên là tỉnh có PCI tương đối thấp. Năm 2011, 2012, tỉnh đã vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có PCI khá, tuy nhiên đến năm 2013, 2014, 2015 lại tụt hạng và là tỉnh có PCI tương đối thấp.

Nguyên nhân trước hết là do công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính quyền trong giải quyết thủ tục cho DN, nhà đầu tư chưa đồng bộ, nhịp nhàng, điển hình như cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản, đền bù giải phóng mặt bằng... làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Một số sở, ngành còn chưa quan tâm đúng mức việc vận động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN, trợ giúp pháp lý đối với các nhà đầu tư…Trong khi một số sở, ngành chưa đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC thì công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, phiền nhiễu DN.

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, Sở đã và đang tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 27/4/2015, Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 13/6/2016; Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 trên địa bàn tỉnh… Hiện tại, Sở đã phối hợp với các Ban Pháp chế của VCCI hoàn thiện xong dự thảo “Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tỉnh Hưng Yên đến năm 2020” dự kiến trình UBND tỉnh ban hành trong Quý III/2016. Đề án đã phân tích để tìm hiểu đúng thực trạng môi trường kinh doanh của tỉnh, đánh giá, so sánh với địa phương trong vùng, qua đây UBND tỉnh, các sở, ngành biết được các lĩnh vực, điểm yếu cụ thể để có hướng khắc phục, cũng như gắn trách nhiệm của từng sở, ngành nâng cao chỉ số thành phần. Sở còn tham mưu để UBND tỉnh tích cực tiếp xúc, đối thoại với DN nhằm lắng nghe ý kiến và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

Song Uyên.

VCCI News