The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hội thảo Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS và PCI của tỉnh Lâm Đồng

Ngày 20/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2022, nâng cao hiệu quả các chỉ số Par-Index, SIPAS và PCI năm 2023. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp cùng 12 điểm cầu trực tuyến tới các địa phương.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các huyện, thành trong tỉnh cùng đông đảo đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Về phía VCCI có ông Phạm Đình Vũ - Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp VCCI, ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Dự án PCI.
Quang cảnh tại đầu cầu Trung tâm hành chính tỉnh
Đánh giá toàn diện các chỉ số
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác CCHC và nâng cao PCI đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh hết sức quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và đã đạt được những kết quả tích cực.
Ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Theo công bố của VCCI và USAID tại Việt Nam, năm 2022, PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 17/63 tỉnh thành với 67,62 điểm (tăng 0,45 điểm và giảm 2 bậc so với năm 2021). Đặc biệt, có 9/10 chỉ số thành phần PCI tăng điểm so với năm 2021 gồm: Chất lượng điều hành kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh có sự cải thiện rõ rệt. Ngoài ra các chỉ tiêu như: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và cạnh tranh bình đẳng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất đạt 7,84 điểm, tăng 0,56 điểm, tăng 17 bậc; xếp ở vị trí 03/63 tỉnh, thành. Đây là chỉ số không tăng nhiều điểm nhưng tăng vượt bậc về thứ hạng.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Ngoài ra, năm 2022, chỉ số Par- Index tỉnh Lâm Đồng đạt tổng điểm 86,72/100 điểm xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 hạng so với năm 2021; SIPAS đạt tổng điểm 78,17 điểm, xếp hạng 45/63.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, một số lĩnh vực, một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự cố gắng, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong thực hiện. Cụ thể: Công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của Chính phủ và UBND tỉnh chỉ đạo, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, chuẩn hóa bộ TTHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; Việc giải quyết TTHC vẫn còn tình trạng trễ hạn nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư... Ngoài ra, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ công chức viên chức mặc dù được thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh nhưng một bộ phận vẫn chưa chấp hành tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần làm rõ, đánh giá toàn diện các chỉ số kết quả thực hiện CCHC năm 2022, nhất là những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Qua đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác CCHC năm 2023 cũng như trong giai đoạn 2022 - 2030, đáp ứng yêu cầu về thực hiện công tác CCHC của Chính phủ và yêu cầu về CCHC trên địa bàn tỉnh.
CCHC phải đem lại kết quả thực chất, lấy người dân làm trung tâm
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số Par - Index và SIPAS của tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Ông Đỗ Quý Tiến - Phó Vụ trưởng, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề nghị: Lâm Đồng cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành CCHC, triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế yếu kém đã chỉ ra trong các báo cáo về Par - Index và SIPAS của năm 2022; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức một cửa các cấp, nhất là ở cấp xã, phường; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; tăng cường công tác giao lưu, học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trong nước.
Ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Dự án PCI, VCCI
Đại diện VCCI, ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Dự án PCI kiến nghị tỉnh cần tiếp tục rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực; tăng cường công khai minh bạch thông tin của tỉnh trên các trang thông tin điện tử; tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp; tăng cường đối thoại doanh nghiệp; xây dựng chính quyền thân thiện, năng động; thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; đồng thời, tham khảo các mô hình tốt trong nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cảm ơn lãnh đạo Bộ Nội vụ, VCCI đã dành thời gian về làm việc với tỉnh và chỉ ra các điểm còn hạn chế, đồng thời trao đổi thêm một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số PAPI, Par - Index, SIPAS, PCI.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và ông Phạm Đình Vũ - Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp VCCI thăm và kiểm tra mô hình hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh
Theo đó, với phương châm “Cải cách hành chính phải đem lại kết quả thực chất, lấy người dân làm trung tâm”, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy; xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương. Công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận.
Tăng cường rà soát, cắt giảm và đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương. Nâng cao chất lượng các Chỉ số, phấn đấu đưa Lâm Đồng được xếp hạng vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt trong cả nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ các thông tin về định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh, các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư; các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các nguồn vốn vay,… Nghiên cứu những cơ chế chính sách mới tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.