The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hòa Bình: Bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023

Chiều 16/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh chủ trì hội nghị của UBND tỉnh bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.

Toàn cảnh hội nghịToàn cảnh hội nghị.
Tham dự có các đồng chí: Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: Năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần chưa cao dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa ổn định...

Theo báo cáo, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính Pax Index của tỉnh xếp thứ 23; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 43; Chỉ số PCI cải thiện được 9 bậc. Tính đến tháng 7/2023, tổng hợp các chỉ số thành phần Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC của Hòa Bình có cải thiện đáng kể, đạt 81,38 điểm, xếp thứ 2 cả nước. Trong đó kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 72,5%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ quy định 15%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 74,35%. Cấp bản điện tử về kết quả giải quyết TTHC đạt 44,17%. Tỉnh có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, như: tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; duy trì Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp gặp vướng mắc trong vay vốn tại các ngân hàng… Với những nỗ lực đó, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 21 dự án, vốn đăng ký khoảng 9.339 tỷ đồng. Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa thực sự bứt phá, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; một số quy hoạch còn chồng chéo; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giải phóng gặp nhiều khó khăn; hạ tầng khu công nghiệp chậm được đầu tư; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa kịp thời...

Thảo luận tại hội nghị, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia đánh giá công tác cải cách hành chính và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại tỉnh Hòa Bình đã cho thấy hiệu ứng tích cực. Để tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, các đại biểu nêu nhiều giải pháp mang tính xây dựng cho tỉnh Hòa Bình như: Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về kinh tế số, chuyển đổi số; phát triển các ngành sản xuất vật liệu thay thế; tổ chức tiếp xúc cử tri đối với cộng đồng doanh nghiệp để giám sát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí: Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hòa Bình trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời cho rằng, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc gợi mở, tham mưu cho tỉnh những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tiếp tục cải thiện đột phá về thể chế, cải cách TTHC đảm bảo tính nhất quán, tránh chồng chéo, có tính thực thi. Nỗ lực sớm thông qua quy hoạch để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường năng lực thực thi nhằm cải thiện các chỉ số PCI, PAPI. Thực hiện chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phát huy công cụ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thiết lập cơ chế nâng cao năng lực pháp lý cho các cơ quan doanh nghiệp. Có thể nghiên cứu thành lập diễn đàn phát triển Hòa Bình để mời các chuyên gia có trình độ hiến kế cho tỉnh phát triển…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại hội nghị. Đồng chí khẳng định, các ý kiến có nội dung rất cụ thể, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Tỉnh Hòa Bình sẽ tổng hợp từ các ý kiến thảo luận để tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh...

Theo Báo Doanh nghiệp hội nhập