The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Giải pháp để nâng cao chỉ số PCI của Ninh Bình

Theo thống kế năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình đạt 61,98 điểm, giảm 2,6 điểm so với năm 2019, xếp thứ 58/63 các tỉnh, thành phố. Trước kết quả không mấy khả quan trên, tỉnh đã yêu cầu các ngành và địa phương quyết liệt đánh giá kết quả, phân tích những nguyên nhân yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao PCI thời gian qua
PCI thấp. Vì đâu?
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và tính thiết chế pháp lý. Hàng năm, chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp dân doanh.
Để khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, PCI của Ninh Bình những năm qua lại chưa có kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt giảm thứ hạng PCI của tỉnh gồm nhiều vấn đề điển hình như: vẫn tồn tại sự buông lỏng trong công tác quản lý của đội ngũ cán bộ công chức; vấn đề nhận thức trong việc cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế; trong việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn với người dân và doanh nghiệp có thời điểm chưa kịp thời; gặp nhiều khó khăn trong việc minh bạch, công khai đầu tư công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như thủ tục đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Các cơ quan, đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm trong việc theo dõi, đánh giá, nâng cao các chỉ số thành phần, xác định nguyên nhân và mạnh dạn đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Giải pháp tăng thứ hạng PCI hiệu quả
Sau khi nhìn nhận, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt giảm thứ hạng PCI, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, khoa học các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian tới phải tạo bứt phá về điểm số và thứ hạng PCI của Ninh Bình trong năm 2021 và những năm tiếp theo một cách bền vững; cố gắng tăng điểm những chỉ số còn thấp đồng thời duy trì và phát triển những chỉ số thành phần có thứ hạng cao. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền. Đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phải phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đó chú trọng công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư… Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng hóa các hình thức đối thoại; chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh chóng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội thành viên trong việc làm cầu nối đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp; tích cực, chủ động nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Rà soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm hành chính công, Bộ phận công viên chức thường xuyên tiếp xúc và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp; nghiêm túc, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Từng cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ tham mưu về cải thiện PCI là một trong những tiêu chí hàng năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực thi công vụ và xem xét đề xuất thi đua, khen thưởng với các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực. Cán bộ, công chức, viên chức tăng cường tự bồi dưỡng, học hỏi và rèn luyện kỹ năng chuyên môn, nhất là trong công tác tham mưu phải kịp thời và chủ động hơn nữa để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công việc hướng tới mục đích cải thiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở trong PCI của tỉnh Ninh Bình…