The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đổi tư duy từ “quản lý” sang "đồng hành, phục vụ” doanh nghiệp

Từ cải cách hành chính, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã giúp cho một số địa phương ở ĐBSCL tạo dựng hình ảnh thân thiện, đón chào nhà đầu tư. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Trong bảng xếp hạng này có nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL được vào top 10, tức nhóm tốt trong cả nước. Một số tỉnh đã duy trì thành tích này nhiều năm liền trong bảng xếp hạng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư của các địa phương.

Cải cách thủ tục hành chính

Tỉnh Bến Tre tiếp tục nằm trong nhóm điều hành tốt với 69,08 điểm, giảm 0,26 điểm so với năm 2019, xếp hạng thứ 8 so với cả nước và thứ 4 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bến Tre đã ban hành một số chính sách, quy định ưu đãi đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp, ưu đãi đầu tư hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ trong nước và quốc tế.

Bàn tròn cà phê doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre.

Hiện nay, địa phương đang tập trung nâng cao chỉ số PCI thông qua hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, từng bước thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng Bến Tre trở thành “địa phương khởi nghiệp”. Tất cả các thủ tục hành chính đều được cung cấp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bến Tre, các cổng thông tin điện tử thành phần của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cổng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện, hệ thống đã được 17 đơn vị cấp tỉnh; 9 huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Số cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử cấp tỉnh và cấp huyện đạt tỷ lệ: 100%; cấp xã tỷ lệ: 96,6% . Ông Bùi Văn Sỹ, một doanh nhân tại Hà Nội đến đầu tư các dự án Năng lượng mặt trời tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của Bến Tre thông thoáng, minh bạch, luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư. “Tại Bến Tre kho doanh nghiệp đầu tư vào chính quyền hỗ trợ, giá đất thấp, được miễn thuế… Thủ tục đơn giản, giấy phép kinh doanh và các thủ tục làm rất nhanh.

Nói chung Bến Tre rất tốt, nhiệt tình, tỉnh rất khuyến khích đầu tư. Tỉnh, huyện nói chung cán bộ rất tạo mọi điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, ủng hộ doanh nghiệp” - ông Bùi Văn Sỹ nói. Năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thực hiện chuyển đổi số với ba trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh được rút ngắn, bình quân cấp phép đăng ký doanh nghiệp còn 1,5 ngày, nhiều trường hợp giải quyết trong một buổi khi đảm bảo đủ hồ sơ; cấp chủ trương đầu tư giảm còn 2/3 thời gian so quy định… Mỗi tháng, lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành đều gặp mặt các nhà đầu tư, doanh nghiệp “ bàn tròn cà phê doanh nhân”, để giao lưu, trao đổi, giải quyết các bức xúc của doanh nghiệp. Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh các hình thức trực tiếp và gián tiếp, kịp thời thông tin và nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp, tương tác thường xuyên với doanh nghiệp hơn. Chúng tôi đã thành lập group zalo với doanh nghiệp và hiện nay group này hoạt động rất hiệu quả. Các yêu cầu nhất là thông tin thị trường thay đổi thì chúng tôi kịp thời chuyển tải thông tin đó. Chúng tôi cùng với địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến giữa Việt Nam với các tham tán thương mại ở nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài”.

Vĩnh Long thường xuyên tổ chức sơ kết công tác cải cách thủ tục hành chính.

Đối thoại định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Vĩnh Long xếp hạng thứ 6 trong cả nước, giảm tới 3 hạng so với năm trước nhưng tổng số điểm năm 2020 cũng gần bằng với số điểm năm trước và vẫn nằm trong top 10, tức nhóm tốt trong cả nước và đứng thứ 3 trong khu vực ĐBSCL.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính công và hiện đại hóa hành chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật trong lĩnh vực cơ chế một cửa và dịch vụ trực tuyến. Tất cả các ngành các cấp đều áp dụng cơ chế một cửa và một cửa liên thông được thực hiện ở các lĩnh vực: đầu tư; đất đai, đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; tư pháp. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp 769 dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ trực tuyến mức độ 4. Các doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại nơi một cửa đồng thời nhận giấy hẹn chờ nhận kết quả. Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, Phó giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Long, để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Long luôn duy trì định kỳ hàng quý tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại, các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, các Hội, Hiệp hội, ngành nghề, các cơ quan báo chí trên địa bàn gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước để trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ vậy mà những khó khăn của các doanh nghiệp luôn được tháo gỡ tại cuộc đối thoại này. “Tại các buổi đối thoại có các sở ngành chuyên môn, những khó khăn vướng mắc thuộc ngành nào, cơ quan nào thì lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, cho chủ trương giải quyết ngay, điều này rất là thiết thực vì mình nắm được kịp thời những bức xúc của doanh nghiệp và hợp tác xã” - ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết.

Đồng hành Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn hơn 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay. Đồng Tháp đã tạo dấu ấn đặc biệt về nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và làm nên thương hiệu Đồng Tháp – PCI khi 13 năm liên tiếp nằm trong top 5. Đồng Tháp xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, ngay sau lễ công cố PCI hằng năm, Đồng Tháp đều tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ, nhìn nhận các mặt yếu để tập trung khắc phục, đề ra những phương án mới để tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điểm tạo khác biệt của Đồng Tháp chính là con người, là sự tiên phong, xông xáo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Trung ương ghi nhận và đánh giá rất cao.

Và đó cũng là chìa khoá giúp Đồng Tháp thoát dần lời nguyền “khuất nẻo”. Việc xếp thứ hạng không quan trọng mà sự đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp để phát triển kinh tế, xã hội mới là thành công. Từ cải cách hành chính, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã giúp cho một số địa phương tạo dựng hình ảnh thân thiện, đón chào nhà đầu tư đến cùng hợp tác phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập và niềm hạnh phúc cho người dân./. Theo VOV