The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Doanh nghiệp Việt còn thiếu tính liên kết

Hội nhập thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội đồng thời cũng làm nổi lên hàng loạt thách thức lớn, điển hình là sự thiếu tính liên kết cả “dọc và ngang”.

Tại diễn đàn “Nâng cao sức cạnh trang của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các diễn giả đã phân tích và chỉ ra thực trạng của hàng Việt Nam. Bà Nguyễn Việt Hồng - Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề cơ bản nhất của doanh nghiệp Việt là tính liên kết yếu.

Doanh nghiệp Việt còn thiếu tính liên kết
Hà Nội đang duy trì 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bà Nguyễn Việt Hồng cho rằng, đây chính là nhược điểm điển hình, hạn chế trong nội tại của các DNNVV Việt Nam. Trong đó, hạn chế lớn nhất khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong định hướng xuất khẩu. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư gặp phải vấn đề là rất khó tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt là những đối tác có thể sản xuất ra các sản phẩm theo đúng yêu cầu của họ.

Chúng ta cũng có thể thấy cụ thể tính liên kết yếu qua số liệu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam đưa ra vào đầu năm nay, khi chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ, 9% doanh nghiệp quy mô vừa, 24% doanh nghiệp lớn có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp từ nước ngoài. Tương tự, chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp siêu nhỏ, 7% doanh nghiệp vừa và 11% doanh nghiệp lớn có khách hàng là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Với lượng khách hàng ít ỏi nêu trên, chắc chắn giá trị dịch vụ cũng như giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam “lấy được” từ "túi" của doanh nghiệp nước ngoài là cực thấp. Qua đó có thể thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển thị phần tại thị trường nội địa, sự liên kết dọc, làm bạn hàng chủ lực, nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn rất thấp.

Bên cạnh đó, sự không hài hòa giữa các liên minh ngành nghề và thiếu thốn của ngành nguyên liệu phụ trợ trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nước ngoài cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là một trong những thực trạng mang tính điển hình của sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ở nước ta chủ yếu tham giam vào phân khúc sản xuất tạo ra giá trị thấp, tỷ lệ gia công sản phẩm còn cao nên tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ở mức thấp.

Bởi vậy, mỗi năm Việt Nam thu hút hàng chục tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhưng sự kết nối nhưng kết nối giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hợp tác với doanh nghiệp FDI còn yếu nhưng ngay chính hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều “vấn đề”. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa tạo ra nhu cầu cho các DNNVV tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. Doanh nghiệp lớn cũng chưa đủ khả năng vừa có đủ điều kiện để hỗ trợ công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Cũng vì chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của những thương hiệu lớn và dù đây đó có một vài sản phẩm đáp ứng được thì quy mô, năng lượng sản xuất cũng không đủ. Bên cạnh đó, những dịch vụ khác như logistics, bảo hiểm, tài chính thậm chí ngay cả dịch vụ cung ứng thực phẩm, an ninh… cũng còn yếu. Do đó, các công ty nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thường bao thầu luôn các dịch vụ này dù họ cũng đang có nhu cầu tiếp cận doanh nghiệp Việt.

buoc-chuyen-tu-cong-nghiep-phu-tro
Ảnh minh họa

Bà Hồng kiến nghị, để doanh nghiệp Việt tăng tính liên kết, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn, cần có thêm cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn phát triển vệ tinh trong nước thay vì phải nhập khẩu các sản phẩm, linh kiện từ nước ngoài. Mặt khác, nếu quá tập trung khuyến khích xuất khẩu càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI thâm nhập sâu hơn vào ngành công nghiệp quốc gia. Từ đó, họ cũng kéo thêm các đơn vị cung ứng ngoại, cạnh tranh với doanh nghiệp Việt ngay trên sân nhà.

Có thể thấy rằng, lập luận của đại diện Hiệp hội DNNVV là khá hợp lý so với thực trạng doanh nghiệp Việt Nam ngày nay. Doanh nghiệp Việt muốn mạnh lên nhanh chóng cần đầu tư vào chất lượng con người, công nghệ để có thể đáp ứng được yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong công nghiệp chế biến chế tạo. Mặt khác, các hiệp hội ngành nghề cũng cần phải tăng tích cực, xây dựng nhiều hoạt động phong phú, có lợi ích cho các doanh nghiệp mới có thể nhanh chóng liên kết mạnh hơn các doanh nghiệp trong nước.

Theo PetroTimes